Cần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tại các khu di tích lịch sử
Cây Cọ ở gần các điểm di tích ATK Định Hóa đang bị thay thế bởi loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. |
Tại vạt rừng gần điểm di tích Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rất nhiều cây cọ hàng chục năm tuổi đã bị chặt hạ. Chủ khu rừng là anh Nguyễn Đình Tiến, xóm Hoàng Hà, Phú Đình cho biết: "Hiệu quả kinh tế từ cây cọ không cao nên gia đình quyết định phá bỏ để trồng và khai thác các loại cây khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn"
Việc phát triển kinh tế rừng trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và các yếu tố về môi trường là chủ trương lớn của trung ương và địa phương. Bởi vậy, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các địa phương và người dân phát triển kinh tế rừng, trong đó chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi như thế nào lại là vấn đề cần được quan tâm và định hướng cụ thể dựa trên những điều kiện thực tế tại địa phương. Bởi vậy, việc chủ các vạt rừng tại khu vực gần các điểm di tích lịch sử chặt hạ hàng loạt diện tích cây cọ là vấn đề rất đáng lưu tâm. Ông Ma Đình Soạn, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc: “Phải quy hoạch lại các điểm di tích. Sau đó đưa ra vùng nào có thể làm đất sản xuất cho người dân, vùng nào là vùng đệm gần vùng di tích không nên chặt bỏ”.
Ông Nguyễn Văn Bình, xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình phản ánh: “Gần đây bà con chuyển đổi mục đich từ cây cọ không cho hiệu quả kinh tế cao nên chuyển sang trồng cây Quế, cây Keo, cây Chè. Vừa qua bà con chặt phá đồi cọ gần các di tích là đất ông cha để lại khiến các di tích mất cảnh quan. Nhưng chúng tôi thấy cũng rất là khó chỗ này”.
Ông Lý Văn Chính, Phó trưởng Ban quản lý khu Di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa đề nghị: “Đối với khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa thì các điểm di tích ở gần các đồi núi. Rừng thì thuộc các hộ dân quản lý. . Đây chính là khó khăn đối với ban quản lý di tích. Vì khi người dân chặt cây rừng lại phá vỡ cảnh quan, di tích. Mà muốn bảo vệ rừng cây, cảnh quan các di tích thì chúng tôi đề nghị nhà nước có chế độ chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân, có nguồn thu thì mới thực hiện được vấn đề giữ rừng, bảo vệ vẻ đẹp của di tích”.
Nhiều điểm trong Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đang đứng trước nguy cơ mất rừng Cọ đặc trưng |
Để giải quyết hài hòa các vấn đề trên cơ sở đảm bảo cuộc sống người dân và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cùng các yếu tố môi trường, cần sự vào cuộc tích cực và hiệu quả hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng các ban, ngành chức năng liên quan. Từ đó kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt bỏ các vạt rừng cọ tại nhiều khu vực gần các điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Định Hóa./.