Cách bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao là một trong số ít các dân tộc thiểu số của Việt Nam có chữ viết riêng, với dân tộc Dao là văn tự nơi ghi lại tất cả vạn vật thay đổi, biển chuyển của cuộc sống và con người. Bộ chữ nôm Dao truyền thống là một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng truyền đời của người Dao, là di sản quý giá đại diện cho văn hóa cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay người biết đọc, biết viết chữ nôm Dao không còn nhiều, chủ yếu là lớp người cao tuổi. Trăn trở trước thực trạng đó, từ năm 2019 một số nghệ nhân tâm huyết ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ đã duy trì cho đến nay lớp dạy chữ Nôm Dao. Theo học lớp dạy chữ Nôm Dao các học viên không chỉ được học chữ viết, mà còn được truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì thông thạo chữ viết dân tộc giúp mỗi học viên có thể tự nghiên cứu các văn tự của người dao, hiểu về nghi lễ, phong tục để dạy con cháu, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Cách bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao
Lớp dạy chữ Nôm Dao.

Ông Triệu Văn Thuận - Xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ cho biết: "Lớp học có nhiều thanh niên đến tham gia, nội dung học theo chữ viết từ ngày xưa truyền lại. Học chữ để biết đạo lý làm người, làm người tốt, không làm những việc xấu".

Anh Bàn Như Linh - Xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ: "Học chữ Dao để không bị mai một, không bị mất gốc. Để sau này còn dạy cho con cháu đều biết chữ Dao, có thể làm thầy được".

Cách bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao

Ngoài việc dạy chữ, dạy tiếng, một trong hình thức bảo tồn văn hóa văn nghệ mà người Dao ở Thái Nguyên đã duy trì hiệu quả, đó là thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ. Đây là những địa chỉ văn hóa của những người Dao yêu văn nghệ, yêu làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Bà Triệu Thị Cói, xã Yên Lạc, Phú Lương vui vẻ: "Từ khi tham gia câu lạc bộ tôi cảm thấy rất vui vẻ, ngày nào chúng tôi cũng đi tập, đi giao lưu, học hỏi".

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương cho biết: "Thông qua xây dựng các câu lạc bộ bảo tồn, chúng tôi phục dựng lại những làn điệu dân ca dân vũ, các nghi lễ của đồng bào dân tộc Dao, đồng thời là kênh để chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng, nhân rộng các nghệ nhân dân gian".

Cách bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao

Trong những năm qua, việc bảo tồn từ 2 phía: cộng đồng và Nhà nước, đã giúp cho văn hóa dân tộc Dao được phát huy trong đời sống. Ngoài sinh hoạt cộng đồng, bà con người Dao ở Thái Nguyên đã có thêm cơ hội để giao lưu quảng bá các làn điệu dân ca, dân vũ của mình tại nhiều hoạt động văn hóa, các sự kiện của địa phương. Đó là những cách làm hay, linh hoạt để các thế hệ người Dao cùng ý thức giữ gìn và phát huy trong cộng đồng các giá trị văn hóa đặc sắc.