“Bội thu” huy chương quốc tế: Trăn trở trong niềm vui?
Mùa Olympic năm nay, Việt Nam đoạt thành tích vượt trội ở cả ba môn Toán, Lý, Hóa (cao nhất từ trước đến nay). Trong niềm vui hân hoan của ngành giáo dục, thầy trò nói riêng và xã hội nói chung, nhiều nhà khoa học, học giả Việt trong và ngoài nước băn khoăn câu hỏi: Tại sao có rất nhiều học sinh giỏi khối tự nhiên, thành tích của đoàn Việt Nam thậm chí thường xuyên xếp top đầu thế giới trong các cuộc thi quốc tế nhưng ngành khoa học cơ bản của Việt Nam chưa thực sự phát triển?
PV Dân trí đã trao đổi với nhiều giáo sư/tiến sĩ trong và ngoài nước về vấn đề này, họ có những chia sẻ, phân tích hết sức thẳng thắn.
Cuộc chơi bị đưa vào thành tích, xã hội ảo tưởng về các cuộc thi
GS. Dương Quang Trung (Đại học Queen's University Belfast, Anh quốc) cho rằng, đó là vấn đề không mới nhưng không hề cũ.
Vị giáo sư Việt tại Anh cho rằng, mấu chốt vấn đề năm ở chỗ: “Những cuộc thi Olympic Quốc tế - IMO, Olympic châu Á, Robocon hay Đường lên đỉnh Olympia... chỉ là những cuộc chơi của người trẻ, nhưng ở Việt Nam nó đã được đưa vào thành tích: Thầy đào tạo trò giỏi, trò giỏi làm rạng danh trường, và rạng danh địa phương. Do đó, thật khó có thể so với các nước phát triển khi họ thực sự coi đây là chỉ là cuộc chơi của người trẻ”
“Cứ thử xem quy trình tuyển chọn học sinh vào đội tuyển của Mỹ là biết. Theo tôi tìm hiểu, không có chuyện họ tập trung “luyện gà” thi đấu từ những năm cấp 2 - cấp 3 như Việt Nam. Họ chỉ thông báo ngắn gọn, sau đó thi tuyển cả nước. Ai cũng có thể làm bài thi, sau đó chọn ra vài em giỏi nhất, tập trung 1 tháng là đi thi. Cho nên họ không bị bệnh thành tích cũng như không hề dùng kết quả HCV, HCB để tuyển thẳng đại hoc (dĩ nhiên là với những kết quả tốt như thế này thì khả năng các học sinh đạt giải cao này được học bổng từ các trường ĐH lớn ở Mỹ là rất cao)”, GS Trung phân tích.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa (Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) cũng quan điểm: “Đừng nên ảo tưởng quá mức về các cuộc thi”.
Theo Viện trưởng Viện Toán học, xã hội nên nhìn nhận thành tích của các học sinh giỏi đoạt giải quốc tế một cách bình tĩnh, không nên bốc đồng, ảo tưởng quá mức về kết quả này.
“Đoạt giải quốc tế chứng tỏ các em thông minh, có năng lực tốt. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa sau khi đạt thành tích, các em phải gắn chuyên ngành của môn đoạt giải đó với cả cuộc đời mình. Việc học sinh đoạt giải quốc tế môn Toán, Lý... nhưng chọn học luật, kinh tế, hay học y cũng là điều bình thường.
Nếu ai đó đặt vấn đề cho rằng quá khó hiểu, đáng tiếc khi nhiều học sinh đoạt giải quốc tế, sau đó lại mất hút ở chính những lĩnh vực chuyên môn của ngành khoa học đó, thì cách nhìn nhận này cũng sai lầm. Kể cả việc coi học sinh đoạt giải quốc tế chứng tỏ “ngành khoa học đó của Việt Nam đang lên” cũng là ảo tưởng trầm trọng. Đồng nhất việc thi thố với thành tích của khoa học chuyên môn là sai lầm, vì nó không dính dáng gì đến nhau cả”, GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa nhấn mạnh.
Học sinh giỏi mới chỉ là điều kiện cần
Quay trở lại vấn đề Việt Nam có nhiều học sinh giỏi ở các cuộc thi quốc tế nhưng khoa học không phát triển, GS. Dương Quang Trung nhấn mạnh: “Việc đạt giải cao trong các kỳ thi này (theo cách như Việt Nam đang làm) không liên quan gì đến nền khoa học nước nhà”.
Bởi lẽ, học giỏi là một chuyện nhưng để làm nghiên cứu được và làm nghiên cứu xuất sắc thì còn phục thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó rất cần sự đam mê yêu thích NCKH, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, môi trường làm việc với những cộng sự giỏi, những cơ hội nhận được tài trợ NCKH, môi trường học thuật tự do… và còn nhiều những yếu tố khác lắm, chứ không chỉ là những học sinh giỏi. Kinh nghiệm tôi đã thấy, có những bạn học giỏi, điểm cao thời phổ thông và đại học nhưng sau này không phải là những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, mặc dù cũng đã dấn thân vào con đường NCKH.
Nhiều nhà khoa học đồng tình, học sinh giỏi tựa những hạt giống tốt nhưng để thành nhân tài cho đất nước thì cần nhiều yếu tố khác. (Ảnh minh họa) |
TS. Ngô Anh Văn (Đại học Calgary, Canada) cho rằng, trong niềm vui các đoàn học sinh Việt Nam dự thi quốc tế “bội thu” HCV thì cũng có nhiều trăn trở. Tiến sĩ Văn quan điểm: “Tiếc là khoa học cơ bản lại không được đánh giá bằng huy chương Olympic hay giải thưởng các kỳ thi quốc tế khác. Nó nằm ở chính sách nghiên cứu dài hạn dành cho những nhà khoa học đương thời và cho nhiều năm về sau. Nó nằm ở cơ chế phân bổ tiền tài trợ nghiên cứu có công bằng không? Nằm ở tự do học thuật. Nằm ở chính sách phát triển giáo dục nói chung nữa”.
“Chính sách hạn chế trong nghiên cứu, phong phẩm hàm ở là nguyên nhân chính khiến chúng ta cứ phải bàn đi bàn lại cái chuyện cái gì là nguyên nhân khiến khoa học nước nhà giậm chân tại chỗ. Rồi các em này, sẽ lại là nhân tài cho nước khác cho thế giới thôi”, TS. Ngô Anh Văn nhận định.
Hạt giống tốt vẫn cần môi trường, khí hậu, chăm bón hợp lý
Bàn về vấn đề này, ông Vũ Thái Luân - Giáo sư trợ lý thỉnh giảng (dạy và nghiên cứu về Toán ứng dụng) tại Đại học California (Merced, Hoa Kỳ) ví “hạt giống tốt phải có môi trường, khí hậu tốt mới trở thành một cái cây khỏe mạnh đơm hoa, kết trái”.
Theo GS Vũ Thái Luân, nói đến khoa học cơ bản (KHCB) tức là nói về nghiên cứu cơ bản và thước đo để đánh giá một quốc gia có nền KHCB phát triển hay không tất nhiên là dựa vào các kết quả - công trình nghiên cứu được thừa nhận làm nền tảng cho nghiên cứu ứng dụng. Chất lượng KHCB vì thế sẽ phụ thuộc vào cơ chế quản lý (tầm nhìn, chính sách, đầu tư, tạo môi trường,…) và đội ngũ các nhà khoa học.
“Việc có nhiều học sinh đoạt giải quốc tế các môn khoa học tự nhiên, tất nhiên là một tín hiệu mừng, nhưng chỉ là một trong các điều kiện cần ban đầu. Hãy tạm coi các em như các “hạt giống” tốt (nếu các em có ý định đi theo con đường nghiên cứu khoa học). Nhưng để “hạt giống” có thể phát triển tốt thành một cây khỏe mạnh cho ra sản phẩm “hoa trái” tốt thì “môi trường, khí hậu” (nằm trong cơ chế quản lý và người chăm bón (tựa như người cố vấn, hướng dẫn) là rất quan trọng (coi như điều kiện đủ)”, ông Luân quan điểm.
GS Vũ Thái Luân cho rằng, ngành khoa học cơ bản của Việt Nam không phải không phát triển nhưng phát triển chậm, có thể do vài yếu tố sau:
1) Trước tiên, có thể nhiều em sau này chưa hoàn toàn được tư vấn chọn đúng thầy hướng dẫn phát hiện đúng thế mạnh và hướng nghiên cứu phù hợp.
Làm trong ngành Toán, tôi thấy nhiều trường hợp là học giỏi nhưng chưa chắc đã nghiên cứu giỏi. Học giỏi chỉ là điều kiện cần, nhưng để nghiên cứu giỏi cần nhiều yếu tố khác nữa. Đặc biệt ở bậc phổ thông thì thường là các bài toán được nghĩ ra sẵn và có lời giải (cần vận dụng các kỹ thuật, mẹo khác nhau). Nhưng khi nghiên cứu thì các bài toán thường sẽ đến từ thực tế, từ ứng dụng nảy sinh từ các ngành khác và do đó không biết trước là có giải được không. Do vậy cần xác định được lĩnh vực hẹp mà mình phù hợp và rất cần sự đam mê tìm tòi. Có thể thấy đa số các học sinh đoạt giải IMO mà sau này đạt những thành tựu lớn trong nghiên cứu khoa học đều đi đúng thế mạnh và có thầy hướng dẫn là các GS đầu ngành. Bên cạnh đó cũng nhiều học sinh IMO không thực sự thành công khi bước chân vào con đường khoa học.
2) Số lượng đội ngũ các nhà nghiên cứu KHCB giỏi của ta còn ít, không đồng đều, và phần nhiều làm việc đơn lẻ, chưa có nhiều sự cộng tác, liên kết để tạo nhiều nhóm nghiên cứu nhóm mạnh, có hợp tác quốc tế.
Giả sử rằng các em học sinh giỏi đạt giải đó có đi theo con đường nghiên cứu KHCB (dù ở trong nước hay đi du học và trở về) thì các em cũng rất cần đội ngũ làm việc nhóm mạnh là các GS, TS giỏi hướng dẫn, cố vấn, các hướng nghiên cứu bắt nhịp với thế giới. Điều này như đã nói ở trên vẫn còn hạn chế ở Việt Nam.
3) Vẫn là vấn đề cơ chế quản lý KH&CN, cơ sở vật chất (cho các ngành đòi hỏi thực nghiệm) của Việt Nam ta chưa bắt nhịp được với các nước phát triển, nên khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người giỏi.
“Nói ra thì nhiều vấn đề dù rằng đã có nhiều đổi mới tiến bộ, tuy nhiên có một thực tế là các em học sinh giỏi đoạt giải quốc tế thường sẽ tìm các học bổng đi nước ngoài. Và sau đó thì số trở về là rất ít, do vậy các em này rất khó có thể đóng góp trực tiếp cho ngành khoa học cơ bản của Việt Nam”, GS. Vũ Thái Luân nhận định.