Bộ Y tế cảnh báo tình trạng “hù dọa” để bán thực phẩm chức năng
“Hiện nay trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định. Đặc biệt là các nhóm sản phẩm về xương khớp; Sinh lý nam; Tiểu đường; Kích thích mọc tóc; Trị mất ngủ...được quảng cáo nhiều nhất", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo tình trạng giả danh dược sĩ, bác sĩ, nhà thuốc cổ truyền để bán thực phẩm chức năng. |
"Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát”, ông Phong thông tin.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng chia sẻ, bản thân ông không ít lần nhận được điện thoại tư vấn “hù dọa” về tình trạng sức khỏe. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, phát hiện nhiều “tổng đài viên” giả danh dược sĩ, bác sĩ thực ra lại là sinh viên, người không có chuyên môn. Họ được tuyển dụng, đào tạo các kỹ năng “hù dọa” để người được tư vấn lo lắng và mua dùng sản phẩm.
"Tôi từng đích thân gọi tới một số điện thoại trên mạng để tư vấn căn bệnh liên quan đến cột sống và được tư vấn viên khẳng định dùng TPCN là khỏi bệnh" - ông Phong nói.
"Các công ty kinh doanh có rất nhiều "mánh khóe" nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn. Trong khi đó, việc quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan…, thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.
Tại cuộc họp tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng bày tỏ quan ngại với tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc như hiện nay.
"Hầu hết các loại sản phẩm quảng cáo chữa bệnh trên mạng và các phương tiện truyền thông hiện nay không phải là thuốc và không ai chứng minh được những sản phẩm đó là thuốc. Những quảng cáo này khiến nhiều người bệnh mất đi cơ hội điều trị bệnh thực sự",
Xử nghiêm quảng cáo thổi phồng thực phẩm chức năng
Ông Phong khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.
"Trong lúc cơ quan chức năng đang thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm, tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm TPCN có quảng cáo dưới các hình thức như: thư cảm ơn của bệnh nhân; dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo sản phẩm; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo... Chưa cần kiểm tra đã thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng không mua sản phẩm quảng cáo như vậy" - ông Phong nhấn mạnh.
Nhiều công ty kinh doanh TPCN luôn muốn quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng. "Tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng kiên quyết không mua sản phẩm quảng cáo như vậy".
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế bộ sẽ sớm đề xuất biện pháp xử lý tình trạng này, để người bệnh không bị mất cơ hội chữa bệnh.