Bộ Tài chính nói gì về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Cơ cấu lại nguồn thu
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu lên trong báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng.
Báo cáo của ngành tài chính dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia, kể cả các nước đã phát triển đang có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách bằng cách tăng cường nguồn từ thuế gián thu.
Cụ thể, để bù đắp hụt thu do giảm thuế thu nhập, các nước đang chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng như giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt.
Minh chứng là thuế suất thuế giá trị gia tăng trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế này đã xấp xỉ 21,5%. Các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Cũng theo Bộ Tài chính, phía Ngân hàng Thế giới đã thống kê mức thuế suất của 112 nước và thấy rằng, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.
“Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản,…” báo cáo của ngành tài chính nêu lên.
Từ đó, đại diện Bộ Tài chính đề xuất nâng mức thuế suất 10% theo một trong hai phương án: Một là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; Hai là Tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Với hai phương án trên, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm “đề nghị cân nhắc phương án 1.”
Nhiều dịch vụ bị đánh thuế gấp đôi?
Ở hướng khác, báo cáo Bộ Tài chính cho thấy, thay vì chịu mức thuế thông thường là 10%, hiện có 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ chịu thuế 5%.
Tuy nhiên, việc áp thuế 5% theo đại diện Bộ Tài chính đã phát sinh vướng mắc. Cụ thể, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã được xã hội hóa sâu rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm mục đích lợi nhuận như hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, trình diễn thời trang, thi người mẫu, bóng đá, chiếu bóng, cung cấp nước sạch,... nhưng vẫn được hưởng thuế thấp.
“Nếu tiếp tục áp dụng thuế suất 5% sẽ không bảo đảm bình đẳng giữa các lĩnh vực, ngành nghề,” đánh giá của ngành tài chính nêu lên.
Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mức thuế giá trị gia tăng hiện đang được áp dụng với một số mặt hàng như thiết bị, dụng cụ y tế, các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy,… Tuy nhiên, thực tế, không ít mặt hàng có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Đại diện Bộ Tài chính lấy ví dụ như lưới, sợi để đan lưới đánh cá cũng được dùng làm lưới dàn, lưới bao công trình, lưới cẩu hàng. Các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học cũng có thể dùng cho văn phòng, mục đích dân dụng khác như bàn, ghế, máy chiếu, màn hình,...
Điều này theo đại diện ngành tài chính dẫn đến không thống nhất trong thực hiện, tạo kẽ hở để lợi dụng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng.
Từ những lập luận trên, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất chuyển một số hàng hóa, dịch vụ từ mức thuế 5% sang 10% như: nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt; hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim,…
Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm, các loại thiết bị, dụng cụ không chỉ dùng cho y tế mà còn sử dụng cho nhiều mục đích khác cần chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%. Mức thuế 5% chỉ áp dụng với máy móc, thiết bị chỉ sử dụng trong y tế như: Máy nội soi, máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy chụp cộng hưởng từ,…/.