Bình Thuận xác định nguyên nhân cây chết, nước nhiễm mặn ở Vĩnh Tân
Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) |
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất chọn Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị thực hiện việc xác định nguyên nhân cây chết, nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước, nhiễm mặn và phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại của các hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe Chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Viện Môi trường và Tài nguyên có trách nhiệm xác định nội dung công việc, thực hiện dự toán kinh phí, thời gian thực hiện... gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định.
Trong trường hợp xác định nguyên nhân từ bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân) gây ra, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân có trách nhiệm chi trả số tiền trên.
Trước đó, kết quả khảo sát thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho thấy hiện tượng cây chết tại khu vực gần bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) cho thấy cây trồng có hiện tượng trụi lá, khô cành, một số cây còn lại tuy vẫn còn ra lá non nhưng bộ rễ đã bị hư thối, những cây trồng càng xa bãi thải xỉ than của nhà máy vẫn phát triển bình thường.
Những khu vực ngập úng chủ yếu là vùng gần bãi thải xỉ, nước ngầm tại các giếng đào xấp xỉ gần bằng mặt đất, có giếng bỏ hoang không sử dụng.
Kết quả phân tích hàm lượng Clorua, tổng số muối tan của bốn mẫu nước giếng đào của người dân, 10 mẫu đất và bốn mẫu tro xỉ trong bãi thải xỉ, năm mẫu nước tại các hồ chứa trong bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân cho thấy hàm lượng clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2-1,8 lần; hàm lượng clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro, xỉ vượt từ 1,05-1,8 lần; hàm lượng tổng số muối tan trong đất tại khu vực sân xe Chùa Linh Sơn Tự gần bãi thải xỉ cho thấy đất tại khu vực này mặn và rất mặn.
Bước đầu xác định cây chết có thể do nhiều nguyên nhân như đất bị ngập úng nước, nguồn nước và đất bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, chưa thể xác định được nguyên nhân dẫn đến nước giếng, đất của các hộ dân bị nhiễm mặn.
Để xác định nguồn nước gây ngập úng tại khu vực có phải là do nước từ bãi thải xỉ thẩm thấu ra khu dân cư hoặc một nguồn nước ngầm nào mới trồi lên (vì đây là vùng khô hạn từ lâu nay) và nguyên nhân đất, nước tại khu vực bị nhiễm mặn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chọn đơn vị độc lập có đủ chức năng, năng lực theo quy định của pháp luật để làm rõ nguyên nhân cây chết, nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước và nhiễm mặn, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại... từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục cũng như bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân (nếu có ảnh hưởng do bãi thải xỉ)./.