Bị cắt chân do kiểm tra chấn thương không đúng quy trình?
Báo Dân trí xin giới thiệu bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại về vấn đề này:
Thống kê thấy tỷ lệ chèn ép khoang trong gãy xương cẳng chân khá lớn, đặc biệt là gãy chấn thương 1/3 trên lên đến 80 - 90% trong gãy hai xương cẳng chân. Do đó, để nhanh chóng, tránh sai sót khi khám một chấn thương cẳng chân, thầy thuốc cần tuân thủ quy trình kiểm tra hết sức thận trọng.
Giải phẫu cấu tạo cẳng chân
* Xương cẳng chân
Cẳng chân có da bao bọc, trong có: (1) Hai xương là xương chầy và xương mác. Xương chầy là hình lăng trụ tam giác với mào chày ở phía trước nằm sát da, xuống dưới là hình trụ tròn nên đây là điểm yếu rất dễ bị gãy, (2) Cơ: khối cơ bố trí quanh xương không đồng đều, phía sau có khối cơ chắc khoẻ, phía trước không có cơ mà ngay dưới da là xương vì vậy khi gãy rất dễ bị lộ xương, (3) Hệ mạch máu: nuôi xương càng xuống thấp càng nghèo nàn, nên khi gãy vùng này xương khó liền, (4) Các dây thần kinh.
* Các khoang ở cẳng chân
Với cấu tạo giải phẫu như thế, cẳng chân có hai vách liên cơ trước và ngoài, cùng với màng liên cốt và thành xương cứng chia cẳng chân ra làm 4 khoang: khoang trước, khoang ngoài, khoang sau cạn và khoang sau sâu.
Cấu tạo các khoang hẹp, thành khoang chắc vì vậy khi có phù nề, chảy máu trong khoang dễ gây hội chứng chèn ép khoang, nếu không xử lý kịp thời có nguy cơ cụt chân khi đã bị hoại tử, nhiễm trùng.
Khi gãy xương do máu từ ổ gãy chảy vào cùng với sự phù nề của các bắp cơ làm tăng các thể tích và áp lực trong các khoang. Bình thường áp lực trong các khoang là bằng 0, khi gãy xương áp lực trong khoang tăng lên, nếu đến mức 20mm Hg là báo động và đến 30 mm Hg là chỉ định mổ cấp cứu giải thoát sự chèn ép khoang.
Quy trình khám, kiểm tra chấn thương cẳng chân
Để nhanh chóng, tránh sai sót khi khám, điều trị một chấn thương cẳng chân, thầy thuốc cần tuân thủ quy trình kiểm tra sau:
1. Tổn thương xương. Có thể gãy một hay cả hai xương. Gãy đơn giản như gãy đôi ngang, gãy chéo hay gãy phức tạp: gãy nhiều mảnh, nhiều tầng,
2. Tổn thương phần mềm,
3. Tổn thương mạch, thần kinh,
4. Biến chứng cấp, tức thì như sốc chấn thương, mất máu do xuất huyết, chèn ép mạch máu và chèn ép khoang, Do đó, cần khám kỷ mạch ở mu chân, đánh giá mức độ phù nề cẳng chân, khám cảm giác và vận động các ngón. Hết sức lưu ý các nốt phổng nước, biểu hiện sự trầm trọng của biến chứng chèn ép khoang.
5. Biến chứng sớm như nhiễm khuẩn, hoại thư, loạn dưỡng, sưng nề, nổi nốt bỏng nước, vân tím trên da.
Đôi điều bàn luận
Quy trình là trình tự, cách thức để thực hiện một công việc, hoạt động mang tính chất bắt buộc nhằm đáp ứng những mục tiêu cụ thể.
Trong y khoa, mọi quá trình khám và chữa bệnh đều được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ ví dụ: rửa tay đúng quy trình, khám đúng quy trình, tiêm thuốc đúng quy trình, truyền dịch đúng quy trình.v.v…
Trong những câu chuyện đau lòng phải cắt cụt chi vừa qua chắc chắn có sự sao nhãng, thiếu tập trung, sai sót “quy trình” y tế. Chẳng hạn, đau là một dấu hiệu luôn luôn có và phản ảnh trung thành mức độ chèn ép khoang đã không được lưu tâm đúng mức. Màu sắc da, và bắt mạch mu chân tuy đơn giản nhưng hết sức cần thiết để đánh giá lưu thông máu huyết…
Đây là bài học “xương máu” cho tất cả mọi người có liên quan và “Đúng quy trình” phải là điều nằm lòng của nhân viên y tế.