Bị cáo Đinh La Thăng nói không có trách nhiệm việc thu hồi 800 tỷ đồng
Sáng 20/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục diễn ra.
Được chia cổ tức, có lợi nhuận là đầu tư có hiệu quả
Bị cáo Đinh La Thăng. (Ảnh: TTXVN) |
Trả lời phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mình có trách nhiệm việc trong việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị Chủ tịch tập đoàn.
"Đến thời điểm hiện nay, 800 tỷ đồng đầu tư vào Oceanbank có thu hồi được không?" đại diện Viện kiểm sát hỏi. Bị cáo trả lời vòng vo, sau khi chủ tọa nhắc nhở trả lời thẳng vào câu hỏi thì ông Thăng cho hay, năm 2011 không còn là Chủ tịch HĐQT PVN vì chuyển công tác nên trách nhiệm không thuộc về bị cáo.
Bị cáo tiếp tục khai đã báo cáo Chính phủ việc mua góp vốn vào Oceanbank, sau khi được Thủ tướng đồng ý mới chuyển tiền. Công tố viên tiếp tục hỏi: "Khi ký nghị quyết 7289 về việc góp vốn thì đã được Thủ tướng phê duyệt chưa?". Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định: "Không có quy định nào phải trình xin ý kiến Thủ tướng khi ký Nghị quyết" và cho biết việc ra nghị quyết chỉ là công việc nội bộ PVN, còn khi "đầu tư ra ngoài" thì phải tuân thủ pháp luật, và công văn của Thủ tướng.
“Nghị quyết đó chưa cần phải lấy ý kiến của Thủ tướng Chính phủ vì đây chưa phải là nghị quyết quyết định đầu tư vào Oceanbank”– cựu Chủ tịch HĐQT PVN nhấn mạnh và cho biết PVN đã báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng thì mới đầu tư.
VKS tiếp tục nêu công văn thông báo ý kiến của Chính phủ có nêu rõ PVN thực hiện việc góp vốn theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Công văn này có ghi đề nghị PVN báo cáo về tình hình tài chính của OceanBank, bị cáo Thăng hiểu đây là khuyến cáo; Chính phủ và Bộ Tài chính không yêu cầu nên không báo cáo.
VKS hỏi ông Thăng có biết kết luận thanh tra của cơ quan giám sát ngân hàng nhà nước không thì ông Thăng nói do bị cáo chuyển công tác rồi nên không nắm, nhưng khẳng định các kết luận trước ngày ông còn ở PVN đều cho thấy Oceanbank hoạt động tốt.
Tiếp theo, đại diện VKSND công bố kết luận thanh tra số 427 cho thấy thực trạng tài chính của Oceanbank đến 31/3/2012, vốn sở hữu hơn 3.000 tỷ, giảm so với báo cáo tài chính hơn 1.000 tỷ, lỗ lũy kế gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận âm… Theo báo cáo tài chính đến 2011 có lãi nhưng kết quả thanh tra là âm. Như vậy, việc thông báo rằng Oceanbank có lãi là không có căn cứ.
Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng phản bác ý kiến trên của VKS. Ông cho rằng, năm 2010 khi tập đoàn đầu tư thì Oceanbank đang hoạt động hiệu quả, các cơ quan kiểm tra giám sát bằng số liệu cụ thể chứ không cảm tính.
VKS đề nghị ông Thăng dừng lại và cho rằng, đây nhận thức của cá nhân, hành vi của bị cáo ký nghị quyết góp vốn lần thứ nhất khi chưa có sự đồng ý của Chính phủ. Khi ký nghị quyết góp vốn lần thứ hai là chưa xin ý kiến của Chính phủ nên VKS không cần phải hỏi thêm.
Nghe tới đây, ông Thăng xin được báo cáo lại, các quyết định đầu tư của tập đoàn đều thực hiện khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư và được chia cổ tức là có thật. Bị cáo chuyển công tác năm 2011 và 3 năm sau thì ngân hàng vẫn được chia cổ tức. Việc đầu tư, được chia cổ tức có lợi nhuận như vậy là có hiệu quả.
PVN góp vốn đem lại sự phát triển của Oceanbank
Trả lời câu hỏi của luật sư rằng, vì sao Oceanbank lại quan tâm đến PVN, ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cho biết do OceanBank đang có nhu cầu tăng vốn, và đã được tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Sơn.
Hà Văn Thắm bị triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng. |
Sau đó ông Thắm có gặp ông Thăng và ông Thăng yêu cầu là, giá chỉ có giá một chấm chứ không có giá hai chấm như trên thị trường, và một yêu cầu nữa là phải tiếp nhận toàn bộ cán bộ nhân viên, cùng cơ sở của ban trù bị ngân hàng Hồng Việt. Sau đó ông Thăng yêu cầu phải ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ để còn có cơ sở sau này báo cáo lên Chính phủ.
Theo cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, việc PVN góp vốn là nguyên nhân chính đem lại sự phát triển của Oceanbank trong những năm sau đó. Theo ông Thắm, Kết luận thanh tra năm 2012 chỉ nói là ngân hàng có thể bị lỗ, khi đó chính Trưởng đoàn thanh tra thông báo kết luận có thể bị lỗ là căn cứ theo tiêu chuẩn của một số nước đang áp dụng.
Các tiêu chuẩn này theo chủ trương trong vòng 10 năm tới sẽ áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam, thực tế đến nay vẫn chưa áp dụng.
Trước đó, Tòa hỏi một số thành viên trong HĐTV PVN trước đây. Ông Hoàng Xuân Hùng – nguyên thành viên HĐTV PVN giai đoạn 2006-2012 cho biết, việc tham gia góp vốn lần 3 của PVN vào Oceanbank với 100 tỷ, ông có nhận được công văn xin ý kiến thì băn khoăn vì Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo về kiềm chế lạm phát, vì thế ông không đồng ý mà đề nghị rà soát nội bộ, báo cáo lại. Lúc đó, Chính phủ yêu cầu xem xét lại việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ, tập đoàn cũng có nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tập đoàn cần thận trọng trong việc đầu tư ra ngoài. Ông Hùng khẳng định, ở thời điểm đó không đồng ý cho PVN góp vốn 100 tỷ vào Oceanbank và trong 4/7 phiếu đồng ý ra Nghị quyết cũng không có phiếu của ông.
Ông Phùng Đình Thực – nguyên thành viên HĐQT(thành viên HĐTV PVN giai đoạn 2009-2014) được gọi thẩm vấn. Ông này khai lần góp vốn thứ 3 không tham gia vì bị ốm, không nhận được phiếu xin ý kiến về báo cáo 124 và bản thân cũng không cho ý kiến.
Theo ông Thực, sau khi đi làm cũng không thấy báo cáo lại việc HĐTV ra nghị quyết góp thêm 100 tỷ vào Oceanbank và một thời gian lâu sau mới biết./.