Bí ẩn về năng lực hạt nhân thực sự của Triều Tiên
Mỹ-Nhật-Hàn cùng răn đe và tìm cách đáp trả Triều Tiên
Theo ông Abe, mối đe dọa từ vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là cực kỳ nghiêm trọng và Nhật Bản “cực lực lên án” hành vi này của phía Triều Tiên.
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
“Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên rõ ràng đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là một hành vi cực kỳ nguy hiểm”, ông Abe tuyên bố trước Quốc hội Nhật Bản.
Trước “mối đe dọa mới” này của Triều Tiên, Nhật Bản dự tính sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của mình và đang cân nhắc mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ hoặc tự phát triển một phiên bản trên bộ của hệ thống tên lửa Aegis hiện đang được đặt trên các tàu chiến hoạt động ở Biển Nhật Bản.
Trong khi đó, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn kêu gọi nhanh chóng hoàn tất việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc nhằm đối phó với những quả tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Hwang Kyo-ahn cũng hối thúc giới chức Hàn Quốc tìm cách “nhờ Mỹ tăng cường mở rộng và tăng cường năng lực răn đe của Hàn Quốc” thông qua các lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ.
Lời kêu gọi trên của ông Hwang Kyo-ahn được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức phụ trách an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang cân nhắc các biện pháp chống lại Triều Tiên, trong đó có việc đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Martin O'Donnell khẳng định: “Mỹ luôn cảnh giác trước những động thái khiêu khích của Triều Tiên và cam kết hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ để duy trì an ninh trong khu vực”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng lên án gay gắt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi các quốc gia “sử dụng mọi kênh sẵn có và mọi biện pháp cần thiết để gây áp lực đối với Triều Tiên và khiến nước này hiểu rằng, mọi hành động khiêu khích sắp tới đều không thể chấp nhận được”.
Cũng theo ông Toner: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế những hành động và lời lẽ mang tính khiêu khích có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định trên thế giới cũng như thực hiện các bước đi chiến lược nhằm thực thi đầy đủ mọi cam kết của Triều Tiên với cộng đồng quốc tế và quay trở lại các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc.
Mỹ cam kết bảo vệ an toàn cho các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, trước mọi mối đe dọa. Chúng tôi đang tiến hành các bước đi cần thiết để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó để bảo vệ bản thân và các đồng minh khỏi các cuộc tấn công”.
Bắt được “tín hiệu này” ông Hwang Kyo-ahn lớn tiếng răn đe Triều Tiên rằng: “Nếu Triều Tiên định “chạm tay” vào vũ khí hạt nhân, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả cực kỳ thảm khốc”.
Năng lực thực sự của Triều Tiên vẫn là một dấu hỏi lớn
Gần đây nhất, ngày 2/3, quân đội Triều Tiên đã gọi cuộc tập trận Mỹ-Hàn kéo dài trong suốt tháng 3 là “một hành vi khiêu khích có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân” và khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
Một ngày sau, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên khẳng định, Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa kèm theo lời “nhắn nhủ”: “Các loại vũ khí chiến lược [ám chỉ vũ khí hạt nhân-ND] mới của Triều Tiên sẽ gầm rú trên bầu trời”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù nhiều lần đề cập tới việc sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền của Mỹ, Triều Tiên từ trước đến nay chưa từng thử nghiệm một loại tên lửa nào có khả năng bay xuyên Thái Bình Dương.
Hơn thế nữa, không ít chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của phía Triều Tiên rằng, nước này đã đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để lắp lên các loại tên lửa xuyên lục địa dù những quả tên lửa được coi là liên lục địa của Triều Tiên thường xuyên được đưa ra diễu hành trong nhiều năm gần đây.
Dù vậy, Triều Tiên không hoàn toàn “dậm chân tại chỗ” trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo của mình. Bằng chứng rõ rệt nhất là sau vụ thử tên lửa ngày 12/2 đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 của Triều Tiên, các chuyên gia đều thống nhất rằng Triều Tiên đã “tiến một bước rất xa” trong việc phát triển tên lửa đạn đạo.
Không dừng lại ở đó, tờ Rodong Sinmun lên tiếng đe dọa: “Không chỉ có Pukguksong-2, nhiều loại vũ khí chiến lược mới có khả năng tiến sâu vào lục địa Mỹ sẽ được Triều Tiên phóng đi nếu Mỹ và các nước đồng minh đe dọa Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân và thực hiện mưu đồ xâm chiếm Triều Tiên”.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, lời đe dọa của tờ Rodong Sinmun “không phải lời nói suông” bởi các quả tên lửa được Triều Tiên phóng đi ngày 6/3 đã bay được quãng đường xa gấp đôi so với quả tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan có tầm bay tối đa là 3.000km.
Như vậy, quả tên lửa mới này về lý thuyết có thể chạm tới thành phố của Mỹ trên đất liền gần Triều Tiên nhất là Anchorage (5.600km), nhưng vẫn chưa thể chạm đến các thành phố khác như Honolulu (7.000km) và Seattle (7.900km). Chính vì thế, mối nguy hiểm từ các quả tên lửa của Triều Tiên dù còn mơ hồ nhưng khó có thể làm ngơ./.