Bệnh đau mắt đỏ gia tăng, cảnh báo nguy cơ thành dịch
Số bệnh nhân đến khám và phải nhập viện điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh do biến chứng của bệnh viêm kết giác mạc cũng tăng nhanh. |
Tại Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trong 1 tuần trở lại đây đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, đặc biệt là trẻ em. Trong số đó, nhiều bệnh nhân đã có biến chứng nặng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.
Anh Trần Minh Hoàng, phường Lương Sơn, TP Sông Công chia sẻ: "Lúc đầu cháu đỏ mắt và có mủ, gia đình cũng tham khảo những người đã bị bệnh và mua thuốc cho cháu. Ngày đầu, nhỏ thuốc đều, triệu chứng đỏ giảm dần nhưng đến nay lại có dấu hiệu mắt và mí bị sưng, phù nề. Gia đình quyết định đưa cháu vào viện khám. Bác sĩ kết luận cháu bị viêm kết mạc bị biến chứng cần phải điều trị".
Anh Nguyễn Văn Bình, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên cho hay: "Lúc ở nhà, tôi có triệu chứng đau mắt đỏ 1 bên, đau rát, khó chịu, cộm, ngứa, nhỏ thuốc đỡ. Sau đó đi làm và mắt mờ dần nên đi khám. Bác sĩ kết luận bị viêm giác mạc chuyên sâu phải nhập viện điều trị".
Bệnh viêm kết giác mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt. |
Còn tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ có sự gia tăng. Trong hơn 1 tháng nay, tại phòng khám mắt đã tiếp nhận trên 300 lượt người đến khám các loại bệnh về mắt, thì có đến gần 1/3 bệnh nhân bị đau mắt đỏ, trong đó có khá đông bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.
Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hồng, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Mắt, Tai mũi họng, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên cho hay: "Khoảng 2 tuần qua, có những gia đình cả bố mẹ và con đều bị đau mắt đỏ và vào viện điều trị. Lúc đầu, các cháu bị đỏ 1 bên mắt, sau đó, các cháu bị đỏ cả 2 mắt và có những cháu mắt không mở được, mi mắt sưng nề, cộm nhức, ngứa mắt. Có 2 phương pháp điều trị là dùng kháng sinh, vệ sinh mắt, rửa mắt, nhỏ thuốc chuyên khoa mà bác sĩ kê đơn".
Bệnh viêm kết giác mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt. Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm: xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ. Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt… Bệnh thường xuất hiện vào mùa Xuân - Hè, dễ lây lan thành dịch.
Bác sỹ Chuyên khoa II Ninh Sỹ Quỳnh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Khi bị đau mắt đỏ, chúng tôi khuyến cáo nên cách ly bởi đây là bệnh lây qua đường hô hấp. Người bệnh phải đeo khẩu trang và hạn chế đến nơi đông người và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong mùa dịch, khuyến cáo người dân hạn chế đến nơi đông người nếu không quá cần thiết, sát khuẩn tay thường xuyên, khi đi làm cũng nên đeo khẩu trang thực hiện phòng chống lây nhiễm bệnh theo đường hô hấp".
Các bác sỹ chuyên khoa cũng cho biết: Đối với bệnh nhân đau mắt đỏ ở nhiều người có thể xuất hiện giả mạc, đây là một lớp màng trắng, mỏng, phủ lên kết mạc làm bệnh lâu khỏi và có thể gây tổn thương giác mạc; một số ít trường hợp đau mắt đỏ có thể bội nhiễm, gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực. Bởi vậy, khi có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần chủ động đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời, không nên tự dùng thuốc hoặc nghe theo các phương pháp chữa bệnh truyền miệng để tránh những biến chứng có thể gây nên cho mắt./.