Bầu cử Anh gay cấn giai đoạn nước rút: Gió có thể đảo chiều?
Dù gần như nắm chắc chiến thắng trong tay, song mọi việc lại không hề dễ dàng với Thủ tướng Theresa May. Những cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy khả năng không có đảng nào giành được thế đa số tại Quốc hội để có thể tự mình đứng ra thành lập Chính phủ.
Các đối thủ chính trị trong bầu cử Anh 2017. Ảnh: Getty. |
9 ngày trước khi bước vào cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8/6 tới, Thủ tướng Anh Theresa May đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Kêu gọi bầu cử sớm với mong muốn tạo nền tảng vững chắc cũng như đạt được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cử tri trong các cuộc đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, về mặt logic, vị nữ lãnh đạo của nước Anh, cũng như đảng cầm quyền gần như nắm chắc trong tay chiến thắng.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất đều cho thấy, Công đảng đối lập đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với đảng bảo thủ cầm quyền của bà Theresa May.
Đối với bà Theresa May, vấn đề dường như không hẳn nằm ở cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp tối 29/5 vừa qua. Nữ Thủ tướng Anh, vốn được biết đến là một người không thích các cuộc tranh luận đã tránh được một cuộc tranh luận trực tiếp theo yêu cầu của thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn.
Tuy nhiên, cũng giống như đối thủ của mình, bà cũng bị chất vấn và có những lúc bị “dồn vào chân tường” bởi những câu hỏi của nhà báo kỳ cựu Jeremy Paxman, một phát thanh viên nổi tiếng vì đã nhắc lại 12 lần cùng 1 câu hỏi cho lãnh đạo bảo thủ Michael Howard năm 1997.
Một trong những câu hỏi được dư luận quan tâm là lý do sự thay đổi của bà Theresa May trong lập trường về Brexit khi trước đây ủng hộ việc Anh ở lại Liên minh châu Âu. Câu hỏi đã khiến vị nữ lãnh đạo của nước Anh lúng túng và vài giây đắn đo này lại có ý nghĩa biểu tượng nhất trong toàn bộ cuộc phỏng vấn.
Bà Theresa May một lần nữa nhắc lại rằng, không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi đối với nước Anh và cam kết về một nước Anh “cứng” trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu, dự kiến bắt đầu ngay sau cuộc tổng tuyển cử ở Anh chỉ vào ngày.
Bà May nói: "Có rất nhiều thách thức đối với các chính sách của chúng ta trong lúc này. Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, tôi xin đảm bảo rằng, tiến trình đàm phán sẽ bắt đầu và chúng ta sẽ có một vị thế mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận. Tôi tin tưởng vào thành công của tiến trình Brexit đối với toàn thể Vương quốc Anh”.
Báo chí Anh đã đánh giá đây là một phần thể hiện “đáng thất vọng”, trong khi thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để có một thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ một ngày sau những phát biểu có phần gay gắt của Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề Brexit khi tuyên bố nước Đức không còn có thể tiếp tục phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Mỹ hay Anh thời hậu Brexit nữa.
Đối với nước Anh, đây là một điều đáng lo ngại khi các cuộc trưng cầu ý dân tại nước này đều cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu giờ thấp hơn nhiều so với các cuộc trưng cầu ý dân cách đây 1 năm.
Với việc ông Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp và tới thăm Đức 1 ngày sau lễ nhậm chức, hy vọng về một hồi sinh sâu sắc của các dự án châu Âu đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu nhìn lại hồ sơ cá nhân của tân Tổng thống Pháp thì cử tri Anh lại càng có lý do để lo ngại “sẽ bị xa lánh” sau khi Brexit chính thức có hiệu lực.
Còn ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 lại chưa đủ để trấn an người Anh về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và đồng minh lịch sử của mình.
Tất cả những yếu tố này đã phần nào giải thích sự thay đổi trong ý kiến của cử tri Anh. Nếu như trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng bảo thủ cầm quyền hầu như đều vượt ngưỡng 50%, thì những ngày qua, tỷ lệ này đã giảm xuống 43%.
Đặc biệt,vụ tấn công tại Manchester đã không những không chấm dứt xu hướng giảm này mà ngược lại. Trong khi đó, ông Jeremy Corbyn và công đảng đối lập nếu như trước đây thường xuyên bị công kích trong vấn đề an ninh thì sau vụ tấn công này, tỷ lệ ủng hộ lại có xu hướng tăng lên và có những lúc khoảng cách giữa hai bên chỉ còn là 5%.
Điều này làm gia tăng lo ngại, nước Anh phải đối mặt với nguy cơ “Quốc hội treo”, khi không có đảng chính trị nào giành thế đa số và sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận thành lập liên minh. Đây sẽ là một thất bại nặng nề vào uy tín của Thủ tướng Theresa May cũng như vị thế của nước Anh trong các cuộc đàm phán về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu./.