Bạo lực trong lứa tuổi học đường: Cần một “liều thuốc” đặc hiệu
Liên tiếp các vụ nữ sinh đánh nhau
Mới đây, dư luận Nghệ An “dậy sóng” khi một clip bạo lực giữa hai nhóm nữ sinh được tung lên mạng xã hội. Trong clip, một nhóm nữ sinh bắt hai bạn gái quỳ xuống đất, nắm tóc, tát, dùng chân song phi khiến nạn nhân ngã vật xuống nền. Nhưng kinh khủng nhất là cảnh hai nữ sinh cầm dép tát liên tiếp vào mặt hai nạn nhân và bắt phải ngẩng mặt lên để quay clip cho rõ.
Nhóm nữ sinh Trường THCS Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) dùng dép tát vào mặt nhóm nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận gây phẫn nộ dư luận. |
Trong clip, những lời nói thô tục nhất cũng được nhóm nữ sinh kia “văng” vào mặt các nạn nhân. Nhưng có lẽ, kinh khủng nhất là sự vô cảm đã lên đến đỉnh điểm khi một nữ sinh đã song phi cả hai chân vào người 1 bạn nữ rồi truyền đạt cho các bạn mình “thả dép ra đạp sướng hơn”, rồi bảo phải đi rửa chân vì đạp bạn làm bẩn chân mình. Trong khi hai bạn nữ im lặng chịu đòn thì không có bất kỳ ai ở đó lên tiếng can ngăn hay bệnh vực các nạn nhân.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, do mâu thuẫn lời nói, nhóm nữ sinh gồm 9 người của Trường THCS Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã chặn đường, ép 3 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận ra bờ biển vắng người để đánh. Đây là lần thứ 4 nhóm nữ sinh Trường THCS Quỳnh Long đánh các nạn nhân này. Vì sợ tiếp tục bị đánh, các nạn nhân không dám nói với người nhà, thậm chí khi được hỏi về các vết thương trên cơ thể, các em còn dấu, bảo là do bị ngã xe.
Cơ quan chức năng cũng đã triệu tập 4 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Long trực tiếp đánh nhóm nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận, viết tường trình sự việc. Sáng ngày 10/10, ông Trần Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Long cho biết, hiện cơ quan chức năng đã hoàn thiện hồ sơ về sự việc và hiện trường đang chờ ý kiến chỉ đạo của Phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Lưu để đưa ra hình thức xử lý phù hợp đối với sai phạm của các nữ sinh tham gia đánh bạn.
Trong khi vụ việc ở Nghệ An chưa kịp lắng xuống thì mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip hai nữ sinh được cho là ở Thanh Hóa đánh 1 nữ sinh khác. Sau khi bị 1 cú đạp vào mặt, nạn nhân ngã bất tỉnh. Lúc này việc hành hung mới được dừng lại.
Cần một “liều thuốc” đặc hiệu
Một điều dễ nhận thấy là càng ngày, các vụ việc càng trở nên bạo lực hơn. Ngoài việc thẳng tay đấm đá “đối thủ”, các học sinh ghi hình vụ việc và đưa lên mạng xã hội khoe như đó là một chiến tích. Hồi chuông về bạo lực học đường đã gióng lên khá lâu thế nhưng, dường như căn bệnh này hiện vẫn chưa tìm ra “thuốc đặc hiệu”.
Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức - nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An nhận định vấn đề bạo lực xảy ra trong lứa tuổi học đường ngày một tăng, không chỉ về số lượng, mà tàn bạo hơn về hành xử, mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Đây là vấn đề đáng được quan tâm. “Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về gia đình, việc giáo dục con cái không thể khoán trắng cho nhà trường và xã hội. Một đứa trẻ học ở trường từ 4-8 tiếng đồng hồ, còn hầu hết thời gian là ở nhà. Giáo dục của cha mẹ rất quan trọng, đặc biệt là giáo dục gia phong, truyền thống gia đình để giúp các cháu biết yêu thương. Một đứa trẻ đã có lòng nhân ái thì tính bạo lực sẽ hạn chế rất nhiều.
Ông Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An: "Đuổi học các em thì quá dễ nhưng chưa phải là giải pháp tốt. Mục tiêu của giáo dục là dạy các em cách làm người, giúp các em sửa chữa những sai lầm của mình". |
Tuy nhiên, nói như thế không phải là nhà trường không có trách nhiệm trong vấn đề này. Một thực tế là nhiều trường học chỉ chú ý đến chất lượng văn hóa mà chưa chú ý đến việc giáo dục, hình thành, bồi đắp và củng cố nhân cách, đạo đức của học sinh. Trong việc này, phải kể đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy các em”.
Theo thầy giáo Phạm Huy Đức, các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học đường. Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều nơi mới chỉ chú ý đến các thành tích trong học tập của con em địa phương, ít có hành động cụ thể kịp thời biểu dương, khen ngợi những học sinh có hành động cao đẹp, vì người khác để lan tỏa hơn những hành động đẹp đó. Việc khen thưởng, biểu dương học sinh có hành động đẹp mới chỉ do ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể nơi các em sinh hoạt thực hiện.
Anh Lê Văn Lương - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Nghệ An cho rằng, cần phải tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy sức mạnh của dư luận xã hội lên án kịch liệt bạo lực học đường. “Cần đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động, hình thức vui chơi tập thể do tổ chức Đoàn, Đội tổ chức trong trường học để tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phù hợp với tâm lý lứa tuổi để thu hút các em tham gia, đặc biệt hướng đến những nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ bạo lực.
Các em học sinh tham gia trò chơi trong trại hè do Đoàn thanh niên thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tổ chức. |
Một số ý kiến cho rằng, việc bố trí một biên chế có chuyên môn về tâm lý học ở các trường phổ thông là điều cần thiết phải làm trong bối cảnh hiện nay. Ở lứa tuổi mới lớn, các em cần được lắng nghe, được chia sẻ về những vấn đề của bản thân mình, điều mà các em rất khó để nói với bố mẹ - những người luôn đặt nặng lên vai con mình những mong muốn, kỳ vọng nhiều khi là mang tính áp đặt. Cần có người giúp các em chỉ rõ được đúng sai, cần làm, không nên làm, đưa ra cho các em những lời khuyên, gợi ý cách giải quyết vấn đề để tránh việc các em tìm đến các phương pháp giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Học sinh Trường THCS Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An) chơi kéo co dưới sự dẫn dắt của giáo viên Tổng phụ trách Đội. |
Tôi đã từng nghe câu chuyện của một thầy hiệu trưởng khi giải quyết vấn đề bạo lực học đường của một nhóm nữ sinh. Khi việc các em đánh nhau xảy ra, nhà trường đã cho mời từng học sinh có liên quan lên, yêu cầu các em viết tường trình, hứa không tái phạm. Không có bất kỳ một biểu hiện hối lỗi nào từ phía các nữ sinh này mặc dù mỗi em đều viết bản tự kiểm điểm và hứa không tái phạm. Buổi trưa hôm ấy, toàn bộ xe của cán bộ, giáo viên nhà trường đã bị xịt lốp, các thầy cô giáo phải vất vả dắt ra cửa hàng sửa chữa gần đó.
Nói thể để hiểu rằng, ứng xử với các em sau mỗi vụ việc xảy ra là điều không hề dễ. Đình chỉ học 1 thời gian, hạ hạnh kiểm hay phạt bằng hình thức lao động… là cách thường thấy. Và trên thực tế, cách phạt này chưa thực sự hiệu quả, không làm các em sợ, thậm chí, nó còn gây phản ứng ngược, khiến các em trơ lì về mặt cảm xúc hoặc có những phản ứng tiêu cực hơn.
“Đuổi học các em thì quá dễ nhưng chưa phải là giải pháp tốt. Mục tiêu của giáo dục là dạy các em cách làm người, giúp các em sửa chữa những sai lầm của mình. Việc đưa ra hình thức xử lý có tính giáo dục, đủ sức răn đe để ngăn chặn tái phạm là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức khó khăn và chắc chắn càng ngày càng gia tăng, phức tạp, nghiêm trọng. Bởi vậy, ngành giáo dục cần phải tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực, mạnh mẽ nhằm tìm kiếm các biện pháp cụ thể để giáo dục, ngăn ngừa và xử lí kịp thời tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học sinh nói chung, bạo lực cùng giới nói riêng”, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đưa ra ý kiến.