Ăn muối gấp đôi khuyến cáo, người Việt có nguy cơ mắc những loại bệnh nào?
Quá nhiều yếu tố nguy cơ
Ngày 25/12, tại Hội thảo Tăng cường truyền thông chống bệnh không lây nhiễm do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, tại Việt Nam tử vong do các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng lên.
Hàng ngày, chúng ta đang nạp rất nhiều muối vào cơ thể mà không biết. |
Năm 2012 cả nước có 520 nghìn trường hợp tử vong thì có đến 73% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm, với 379.600 trường hợp. Đến năm 2017, con số tử vong do bệnh không lây nhiễm tăng lên 76%, với hơn 411 nghìn ca.
Trong số trường hợp tử vong, bệnh tim mạch chiếm 33%, ung thư - 18%, COPD - 7% và bệnh tiểu đường - 3%.
Nguyên nhân bởi người Việt có quá nhiều các yếu tố nguy cơ kết hợp, đó là tình trạng hút thuốc lá, thừa cân, thiếu hoạt động thể lực, tăng huyết áp và ăn quá ít rau.
Theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho thấy 57,2% tỷ lệ người ăn ít rau (ăn ít dưới 5 suất rau, trái cây trung bình trong một ngày), trái cây; 43,8% người hiện tại uống rượu bia; 22,5% tỷ lệ người hiện tại có hút thuốc ( từ người 15 tuổi trở lên); 28,12% người thiếu hoạt động thể lực (dưới 150 phút hoạt động cường độ trung bình/1 tuần hoặc tương đương).
Ông Lại Đức Trường, Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết người Việt ăn quá nhiều lượng muối so với nhu cầu khuyến nghị, với khoảng 9,4 gram muốn/người/ngày.
“Mọi người đều ăn nhiều muối hơn nhu cầu hàng ngày 1 – 2 gram, nhưng đa số sử dụng 10g, vì thế phần lớn có huyết áp trên 115/70mmHg. Muối gây các bệnh tăng huyết áp, ung thư dạ dày, bệnh thận, sởi thận, thưa xương, hen phế quản”, ông Trường nói.
Những món ăn chứa muối nhiều không tưởng
Ở các nước phát triển, 77% muối đưa vào cơ thể qua thực phẩm chế biến sẵn, ăn ở nhà hàng. Còn tại Việt Nam thì 80% lượng muối đưa vào cơ thể là muối cho vào tại hộ gia đình khi chế biến món ăn.
PGS.TS Lê Bạch Mai, chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nếu bạn ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, với khoảng trên 3,34gram muối.
Hay như trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483 kcal, chứa tới 4,6 gr muối.
Tương tự, trong nhiều món ăn khác, nhất là các món chế biến sẵn thịt hun khói, bim bim… đều chứa muối. “Với mức khuyến nghị của WHO, không quá 5 gram muối một ngày, vậy chỉ cần một bữa ăn sáng đã đủ nhu cầu muối cho cơ thể”, PGS Mai khuyến cáo.
Học thói quen không cần bổ sung muối
Theo PGS Mai, với người đã có thói quen ăn mặn, để từ bỏ là một điều vô cùng khó khăn bởi khi nấu giảm muối, món ăn nhạt thếch và không ngon miệng. Vì thế, cần thời gian để vận động, thuyết phục từ bỏ thói quen này. Nhưng với lớp trẻ, hãy điều chỉnh chế độ ăn từ con trẻ.
Nhiều người mẹ phàn nàn với bác sĩ dinh dưỡng khi nấu ăn dặm cho trẻ, mẹ không bổ sung muối thì bà nội, bà ngoại cho rằng phản khoa học, nhạt thếch trẻ không ăn được. Thực tế, dù không bổ sung muối cũng không lo thiếu muối, bởi trong thực phẩm tự nhiên luôn có sẵn muối. 10% muối có trong thực phẩm tự nhiên nên không lo sợ ăn ít, ăn thiếu muối sẽ gây ra phù. “Điều này không thể xảy ra nếu chúng ta sử dụng thực phẩm tự nhiên”, bà Mai khẳng định.
Ngay cả với những thực phẩm tự nhiên tưởng chừng như không có muối nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đều chứa sẵn muối. Chẳng hạn, một bát cơm trắng (cơm tẻ) cung cấp 258 kcal cũng có sẵn 0,01 gr muối; cơm hến chứa 1,78 gr muối; cơm rang thập cẩm chứa 3,34 gr muối; cơm suất văn phòng (gồm thịt nạc vai và đậu phụ) cung cấp 760 kcal nhưng cũng có lượng muối lên tới 5,15 gr... Trong các món miến: gà, lươn nước, ngan... cung cấp từ 3,6 – 4 gr muối. Với các món hủ tiếu nước, mỳ Quảng, mỳ sapaghetti hải sản (thịt bò)... dù hàm lượng muối thấp hơn chỉ 1,3- 2 gr muối/tô nhưng cung cấp năng lượng khá cao (khoảng 450 - 500 kcal).
Để hạn chế lượng muối ăn qua thực phẩm các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng những thức ăn có hàm lượng muối cao như: các loại đồ kho, đồ muối, đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn... Khi nấu nướng hãy cho bớt muối, chấm nhẹ tay và giảm ngay đồ ăn mặn. Hãy ăn các thực phẩm tươi, thường xuyên ăn các món luộc. Giảm các món rim, kho, rang. Đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi ăn.
Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm đã đề ra mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối của mỗi người vào năm 2025, tức là lượng muối ăn của trung bình mỗi người dân giảm còn 6,6 gr. Năm 2013, Bộ Y tế đã từng triển khai mô hình can thiệp giảm muối tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ đó đến nay, giải pháp can thiệp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng, trong khi nhiều nước trên thế giới đều quy định cơ sở sản xuất phải ghi rõ hàm lượng muối trên bao bì thực phẩm, còn ở nước ta quy định này vẫn chưa được ban hành.