Xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) nằm ở thượng nguồn sông Mã, giáp ranh 3 tỉnh Thanh Hóa, Sơn La và Hòa Bình - nơi người dân vẫn gọi là “tam giác vàng”, từ lâu đã trở thành điểm nhức nhối về ma túy. Ở Trung Sơn, hiếm có gia đình nào không có người dính ma túy, HIV/AIDS hay tù tội.

Thậm chí, nhiều nhà có con gái lớn phải đưa xuống dưới xuôi hoặc vào Nam, với hy vọng không lấy phải người chồng nghiện ngập…

Mua ma túy dễ như mua rau

PV gặp anh Phạm Bá Thúc (ở bản Co Me, xã Trung Sơn) khi anh xuống Trung tâm Y tế xã uống Methadone. Mới 34 tuổi, nhưng trông anh tiều tụy do nhiều năm “làm bạn với chất trắng”.

am anh nhung dam ma chi co dan ba
Người nghiện ma túy được điều trị Methadone ở Trung tâm Y tế xã Trung Sơn

Anh Thúc cũng như những người đàn ông ở Trung Sơn có nghề chặt luồng thuê, mỗi ngày kiếm được dăm ba trăm nghìn, nhưng không đủ để xài ma túy. Có thời điểm anh phải chi 2 triệu mỗi ngày để mua heroin. Anh tự xích chân vào cột nhà để cai nghiện nhiều lần nhưng không được. Chỉ khi được tiếp cận Methadone, anh mới thực sự là “người”.

May mắn hơn anh Thúc, anh Phạm Bá Biền ở bản Chiềng (44 tuổi) cũng mắc nghiện từ năm 2012. Những lần đi chặt luồng thuê, ở lại lán, được bạn bè rủ rê nên anh đã dính nghiện. Giấu vợ con, anh ở luôn trong rừng, vừa làm vừa hút. Nghe “đồng nghiệp” nói chích sướng hơn hút, thế là anh Biền đã dùng chung kim tiêm. Đến khi sốt cao li bì tưởng chết, được người thân đưa xuống bệnh viện huyện xét nghiệm thì phát hiện anh đã nhiễm HIV.

“Trong đám đi làm luồng với tôi đã có tới 22 người nghiện, 6 người đã chết. Bản Chiềng hiện có 4 người nhiễm HIV. Giờ tôi đã sợ ma túy. Nếu không có Methadone và ARV, chắc tôi đã xanh cỏ từ lâu rồi” – anh Biền nói.

Điều mà anh Thúc, anh Biền bị ám ảnh đó là những cái chết do ma túy diễn ra “như cơm bữa” tại bản làng. Anh Thúc ước tính, 4 năm trở lại đây, anh đã chứng kiến khoảng 40 thanh niên trai tráng chết do ma túy tại địa phương. Có những đám ma chỉ có đàn bà đi chôn cất người chết.

am anh nhung dam ma chi co dan ba
Phụ nữ và trẻ em ở Trung Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do "cơn lốc" ma túy tại đây.

Người dân ở Trung Sơn không có khái niệm “kỳ thị” với người nghiện, vì 7/7 thôn bản với hơn hơn 700 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng có người liên quan đến nghiện ngập, tù tội, nhiễm HIV… Họ xem như đó là chuyện thường tình.

“Biết tôi uống Methadone nên người bán không tìm đến nữa vì họ sợ bị báo công an. Như trước, chúng mang ma túy đến tận nhà hoặc đem vào lán bán công khai. Thậm chí buổi tối, anh em đi xe máy ra đường, họ níu kéo chào mua. Ở đây mua cái TV mới khó vì phải xuống huyện, chứ mua ma túy dễ như mua rau ở chợ” – anh Thúc chia sẻ.

Hiệu quả từ mô hình Methadone về bản

BS Lê Văn Tự, Trạm trưởng Y tế Trung Sơn ước tính, toàn xã hiện có khoảng 250 người nghiện ma túy, còn theo hồ sơ quản lý là 118. Từ trường hợp phát hiện nhiễm HIV đầu tiên qua khám nghĩa vụ quân sự năm 2006 (vẫn còn sống), Trung Sơn đã có 76 người nhiễm HIV, chủ yếu lây nhiễm do dùng chung bơm kim tiêm, trong đó 33 ca đã tử vong. Tuy nhiên, con số thực về số người chết do ma túy và AIDS ở Trung Sơn còn lớn hơn nhiều.

am anh nhung dam ma chi co dan ba
Nhân viên y tế thăm khám cho người nghiện ma túy tại Trung tâm Y tế xã Trung Sơn.

“Trung Sơn có đến 70% là dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn. Nên khi nghiện ngập, tệ nạn xã hội là không tránh khỏi, trộm cắp thường xuyên xảy ra. Nếu tính trung bình mỗi người nghiện sử dụng 300.000 – 500.000 đồng/ngày, nhân với trên 100 người nghiện thì số tiền mỗi tháng họ tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Kinh tế chủ yếu ở Trung Sơn là cây luồng. Dự án thủy điện Trung Sơn trong 2 năm qua cũng có hỗ trợ thêm kinh tế cho bà con, nhưng lại sinh ra tệ nạn” – BS Lê Văn Tự chia sẻ.

Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh thành được chọn triển khai mục tiêu 90 – 90 – 90, do đó từ tháng 11/2015, Trung Sơn đã được xây dựng điểm uống Methadone tại Trạm y tế xã. Đến nay, điểm uống này đang điều trị cho 100 người. Tỷ lệ nghiện công khai ra uống thuốc đạt đến 90%. Trên địa bàn vẫn còn một số lượng người tiêm chích không chịu lộ diện, do họ thường xuyên di chuyển nên khó tiếp cận.

Test nhanh HIV tại nhà

Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đối với người có nguy cơ cao cũng được triển khai đến tận thôn bản tại Trung Sơn. BS Đinh Văn Bột, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa cho biết, ban đầu, hoạt động tư vấn xét nghiệm miễn phí chỉ có một điểm duy nhất tại Trung tâm Y tế huyện, hiệu quả không cao do ít người được tiếp cận. Do đó, đội tư vấn lưu động được hình thành nhằm nâng cao độ bao phủ dịch vụ đến tận thôn bản.

am anh nhung dam ma chi co dan ba
Anh Phạm Bá Mạo đến từng nhà dân để tư vấn, xét nghiệm HIV nhanh.

Anh Phạm Bá Mạo, cán bộ y tế thôn bản ở Trung Sơn, là một trong những người được tập huấn về tư vấn, xét nghiệm HIV nhanh ở cơ sở. Chỉ trong vòng chưa đến 30 phút từ khi lấy máu, anh Mạo đã có thể cung cấp cho khách hàng kết quả xét nghiệm.

Nếu kết quả phản ứng dương tính với HIV, anh sẽ gửi mẫu xuống Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa để xét nghiệm cho kết quả khẳng định. Trong trường hợp phản ứng âm tính, anh tư vấn cho người được lấy mẫu hoàn toàn yên tâm.

Điều anh Mạo và BS Tự cảm thấy vui là những mẫu “test” nhanh gần đây đều âm tính, bởi cách đây vài năm, tỷ lệ dính “vạch đỏ” thường xuyên xảy ra. Điều đó cho thấy, Methadone và công tác tuyên truyền đã giúp những bản làng của Trung Sơn phần nào đẩy lùi “cơn lốc” ma túy, để những cái “chết trắng” bên dòng sông Mã thưa dần./.