65% doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài
Tại hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 31/10, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng góp mạnh mẽ cho hoạt động thương mại, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Và mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp nhưng các DNVVN mới chỉ chiếm trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỷ lệ DNVVN Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu còn thấp, chỉ chiếm khoảng 21%, trong khi con số này tại Malaysia là 34%, Philippines là 33%... Đây là điểm yếu của DNVVNViệt Nam, chính vì vậy, việc cung cấp cho khối DN này sự hỗ trợ cần thiết để phát triển hiệu quả và bền vững đóng một vai trò quan trọng.
Tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNVVN - VCCI cũng chỉ rõ, hiện chỉ có 14% DNVVN Việt Nam có khách hàng, đối tác là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vẫn còn khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận với các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, các DNVVN do thiếu liên kết với nhau, thiếu lao động có kỹ năng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đã khiến tác động đầu tư nước ngoài lan toả tới DNVVN còn rất yếu.
Các đại biểu tại Hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”. |
Còn theo ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước Đông Nam Á và Nam Á chia sẻ, trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ việc mở rộng quan hệ giao thương và đầu tư với nhiều quốc gia, trong quá trình đó, các DNVVN đóng một vai trò quan trọng. Hiện, Việt Nam đang tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với thế giới, các DNVVN sẽ là một phần cốt yếu, mang tính quyết định trong tiến trình này.
Chia sẻ quan điểm tại hội thảo ngày hôm nay, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải có những cải cách về chính sách giúp DNVVN chủ động mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Theo ông Phạm Hoàng Tiến, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ khu vực DNVVN phát triển như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thuận lợi hơn cho DN trong hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng các hỗ trợ từ Chính phủ vẫn mang tầm vĩ mô. DN cần các giải pháp cụ thể, thiết thực, sát với thực tế. Đặc biệt, khi thực hiện thương mại quốc tế, các DN cần đến những giải pháp thanh toán toàn diện, dịch vụ ngoại hối hiệu quả, an toàn. Điều này cần đến sự vào cuộc của các DN liên quan như ngân hàng, logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu…
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay nhiều ngân hàng chưa quan tâm tới tín dụng cho DNVVN. Chính vì vậy, hệ thống đánh giá định mức để hiểu khách hàng, cho khách hàng vay còn hạn chế.
“Để được tiếp cận với vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chứng minh mình là ai, mình làm gì, ở đâu, phải minh bạch thông tin tài chính, khả năng trả nợ... Đó là những yếu tố bất lợi cho các DNVVN đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu”, ông Thành cho biết và chỉ rõ, rất nhiều ngân hàng cho vay theo dòng tiền, cho vay theo mức tín nhiệm, nhưng kết nối của DNVVN với những tập đoàn lớn còn yếu nên lòng tin không cao.
Cũng theo khuyến cáo của các diễn giả tại hội thảo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh việc nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, vai trò của Nhà nước trong phát triển DNVVN sẽ là vô cùng quan trọng khi vừa làm trọng tài, vừa bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân và chủ động trong các giao dịch quốc tế./.