425 tỷ đồng vốn nhà nước tại Dự án cảng Phước An đi đâu?
Cảng Phước An được coi là một “siêu dự án” nằm phía thượng lưu sông Thị Vải, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải áp lực cho hệ thống cảng biển khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng, nâng tầm nền công nghiệp vận tải biển và logistic của Việt Nam.
Thế nhưng, từ khi khởi động - năm 2007 đến nay, với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước, chủ yếu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Sonadezil (tỉnh Đồng Nai), nhưng“siêu dự án” này chỉ là một khu đất đầy nham nhở.
Đại công trường nham nhở, hoang vu
Những ngày cuối tuần qua, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực địa tại Cảng Phước An ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trái ngược với kỳ vọng ban đầu, “siêu dự án” này vẫn đang là một khu đất đìu hiu, vắng vẻ. Con đường nội bộ vào công trường chỉ dài khoảng 100m, đắp bằng cát sơ sài và chưa được lu lèn, bị chặn lại bởi những hố nước nham nhở hoặc những bụi cây hoang dại.
Cả một không gian rộng lớn hoang vu đến lạnh người. Xa tít phía bờ sông Thị Vải - nơi thi công cầu cảng, một số cọc trụ đã được đóng xuống. Ngoài mấy dãy nhà nhỏ dựng làm văn phòng, cả một vùng đất rộng mênh mông thuộc phạm vi dự án đều là những bãi đất trống trơn, không có một bóng người làm việc; cũng chẳng có máy móc, thiết bị thi công.
Đó là tất cả những gì tại một dự án đã triển khai hơn 10 năm, quy mô dự án chiếm tới 731 ha đất, bao gồm một khu cảng: 183 ha, dài hơn 3km, với 10 bến tàu và có thể đón được cỡ tàu trọng tải 60,000 DWT; cùng một Khu dịch vụ hậu cần logistic 548ha.
Mục tiêu của dự án này là mỗi năm đáp ứng được lượng hàng hóa thông qua 2,2 triệu TEUs hàng container và 4,92 triệu tấn hàng tổng hợp. Theo đó, sẽ giải quyết đến 80% lượng hàng hóa luân chuyển cho các khu công nghiệp phía Nam tỉnh Đồng Nai và các tỉnh khác ở Đông Nam bộ.
Cảng Phước An nằm phía thượng lưu sông Thị Vải, tỉnh Đồng Nai, được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải áp lực cho hệ thống cảng biển khu vực phía Nam. |
Nguyên tắc hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tỉnh Đồng Nai ký ngày 25/5/2007. Đến ngày 21/8/2009, Công ty Cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lúc mới thành lập, Công ty này có tổng số vốn 440 tỷ đồng. Trong đó, 2 đại diện phần vốn Nhà nước là PVN góp 350 tỷ đồng, Tổng công ty Sonadezil (tỉnh Đồng Nai) góp 75 tỷ đồng và một phần nhỏ của các cổ đông khác.
Dự kiến cầu cảng đầu tiên sẽ đi vào hoạt động năm 2012. Thế nhưng đến nay, toàn bộ dự án vẫn chỉ là một khu đất hoang vu, nham nhở.
Tiền vốn Nhà nước đi đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù góp vốn hàng trăm tỷ, nhưng dự án Cảng Phước An gần như bất động, còn phần vốn Nhà nước đổ vào đây giờ không biết đi đâu? Phải chăng số tiền này đã bị làm xiếc để tiền Nhà nước vào túi cá nhân?
Chỉ có một dãy nhà làm việc giữa khu đất mênh mông. |
Ngày 7/10/2016, tại Đại hội cổ đông bất thường Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) chính thức là cổ đông lớn nhất của Cảng Phước An với số vốn góp vào là 460 tỷ đồng. Ông Phạm Hoành Sơn trở thành Chủ tịch HĐQT công ty.
Chưa đầy 1 năm sau, ngày 1/8/2017, Công ty lại tổ chức đại hội cổ đông bất thường, Hoành Sơn “bơm” thêm 200 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Cảng Phước An từ 900 lên 1.100 tỷ đồng. Ngay sau đó, điều lệ công ty được sửa đổi và ông Phạm Hoành Sơn trở thành Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc, nắm mọi quyền hành.
Với việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn góp 660 tỷ đồng vào Cảng Phước An, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam như đã thành công trong việc giảm tỷ lệ góp vốn từ 79,54% xuống chỉ còn 31,82%. Tuy nhiên, con số này chỉ cho thấy tỷ lệ góp vốn giảm, còn số tiền 350 tỷ của Tập đoàn này đã rót vào đây vẫn nằm trong két của Cảng Phước An. Tương tự, Sonadezil cũng giảm tỷ lệ từ 17,04% xuống còn 6,82%, song 75 tỷ của Sonadezil tại Cảng Phước An lúc này vẫn chưa thể thoái vốn.
Vậy là, từ vai trò những cổ đông sáng lập, nắm quyền điều hành dự án của chính mình, sau vài động tác “xuất xuất, nhập nhập”, giờ đây cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Sonadezi lại trở thành những cổ đông yếu thế, không thể kiểm soát được số tiền đã bỏ vào xây Cảng Phước An ngay từ buổi sơ khai.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: 425 tỷ đồng từ 2 cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Sonadezil (tỉnh Đồng Nai) hiện đi đâu và liệu có phải đang bị lợi dụng?
Sau khi hoàn thành điều chỉnh quy mô đầu tư, hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán, phân kỳ 1 của dự án được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị Công ty phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1.588 tỷ đồng. Tháng 10/2017, Cảng Phước An ký hợp đồng cho gói thầu XL01: Thi công Xây lắp phân kỳ 1 Dự án cảng Phước An với nhà thầu là liên danh giữa Công ty CP Thương mại dịch vụ Nga Sơn và Công ty CP Núi Hồng.
Dự kiến năm 2012 cầu cảng đầu tiên sẽ đi vào hoạt động, nhưng hiện chỉ là một bãi cọc lô nhô. |
Bất thường ở chỗ, hợp đồng này có tổng trị giá lên tới 1.144,6 tỷ đồng, lớn hơn cả tổng vốn điều lệ của Cảng Phước An tại thời điểm ký kết. Trong khi đó, sau khi ký hợp đồng, Cảng Phước An lập tức tạm ứng 572 tỷ cho nhà thầu là Công ty Nga Sơn, số tiền này tương đương hơn 50% giá trị hợp đồng, cũng là hơn 50% tổng vốn của công ty.
Theo quy định, trường hợp tạm ứng như vậy thường chỉ được áp dụng cho các dự án mang tính khẩn cấp hay các trường hợp đặc biệt như các công trình khẩn cấp hoặc nguy cấp của quốc gia và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thực tế, cho đến thời điểm Hoành Sơn góp vốn vào Dự án Cảng Phước An (năm 2016) thì Công ty Nga Sơn vẫn là một công ty con và là công ty chủ lực trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoành Sơn.
Việc một gói thầu cực kỳ lớn, lên đến cả ngàn tỷ đồng lại rơi vào tay một đơn vị cũ của Hoành Sơn đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu chỉ trong vòng có vài tháng thì việc thoái vốn của Hoành Sơn tại Nga Sơn có thật sự đúng bản chất hay không?
Hay đây là chỉ là một chiêu trò để lách lách luật, thậm chí là qua mặt cả 2 cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Sonadezil.
Theo số liệu trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018 của Cảng Phước An cho thấy, giá trị khối lượng công việc hoàn thành của đơn vị này chỉ đạt 16,77 tỷ đồng!? Tạm ứng tới 572 tỷ, sau 1 năm giá trị khối lượng hoàn thành chưa tới 17 tỷ; vậy số tiền hơn 550 tỷ, trong đó có 425 tỷ tiền Nhà nước kia nhà thầu Nga Sơn đã làm gì?
Đối chiếu với thực tế tại hiện trường thực hiện dự án mà chúng tôi đã ghi nhận thì năng lực của nhà thầu đến đâu cũng là câu hỏi lớn được đặt ra từ những bất thường của dự án đặc biệt quan trọng này./.