41 ứng viên GS,PGS không được công nhận: Nhiều hồ sơ “dựng lại” hợp đồng giảng dạy
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao, Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ của 94 ứng viên GS, PGS có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện.
Việc kiểm tra, xác minh được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, minh bạch, cụ thể với từng hồ sơ. Trong thời gian kiểm tra, những trường hợp chưa rõ về hồ sơ, thanh tra Bộ đã đề nghị ứng viên báo cáo giải trình những vấn đề cần phải làm rõ thêm. Đồng thời, gửi văn bản đề nghị các trường báo cáo về việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên.
Trong 94 hồ sơ kiểm tra thì có 53 hồ sơ ứng viên đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; 41 hồ sơ ứng viên không chuẩn xác theo quy định và không được công nhận hoặc có đơn xin rút khỏi danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.
“Đoàn kiểm tra chỉ tập trung vào đánh giá hồ sơ chứ không có thẩm quyền đánh giá về chuyên môn” – ông Bằng nhấn mạnh.
Bộ cũng sẽ xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và sẽ công bố công khai cho công luận. |
Vậy, 41 hồ sơ ứng viên không được công nhận này, chủ yếu thuộc lỗi vi phạm nào? Ông Bằng cho hay, những ứng viên thỉnh giảng thì thanh tra yêu cầu phải có hợp đồng, thanh lí hợp đồng và có nhận xét đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy.
Tuy nhiên, nhiều ứng viên trong hồ sơ thiếu hợp đồng, thiếu thanh lí hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lí môn khác…đặc biệt, một số ứng viên dựng lại hợp đồng giảng dạy từ năm 2012 – 2013 – 2014 để tính vào thời điểm cuối năm 2017. Như vậy, không chấp nhận được.
Cũng có ứng viên kê khai có giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn.
Đặc biệt, nhiều trường hợp ứng viên vi phạm quy định về thâm niên như GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng thì giờ giảng đó là không đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, có những ứng viên giáo sư kê khai giờ giảng cao đẳng. Tuy nhiên, giờ giảng cao đẳng không thể coi là giờ giảng đại học được vì sai quy định.
Hay có những ứng viên khai dạy 72 tiết cho môn học này nhưng khi kiểm tra chương trình môn học đó thì sinh viên chỉ phải học 2 đơn vị học trình là 30 tiết… đặc biệt hơn nữa, có trường hợp hồ sơ khai đề tài nghiên cứu khoa học nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì không có quyết định được giao.
Được biết, trong 28 hội đồng thì hội đồng Sinh học, Y học và Hóa - Công nghệ thực phẩm có nhiều nhất ứng viên không được công nhận sau đợt rà soát này.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước sẽ thực hiện theo đúng quy định là chỉ công nhận những ứng viên đủ tiêu chuẩn. Bộ cũng sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và sẽ công bố công khai cho công luận.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ công nhận các ứng viên đủ điều kiện, còn việc bổ nhiệm giáo sư hay phó giáo sư là do các cơ sở giáo dục tự quyết định.