2 học sinh Sài Gòn vượt qua trầm cảm, chế phần mềm 'trị bệnh'
Đề tài Khảo sát và dự phòng rối loạn ở học sinh THPT của Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên Văn) và Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh) trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) vừa giành giải Ba cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia.
Từ cuối năm 2016, Khương và Trang bắt tay thực hiện đề tài bằng việc khảo sát gần 900 học sinh lớp 10-12 ở một số trường như Lê Hồng Phong, Marie Curie, Mạc Đĩnh Chi, Đinh Thiện Lý. Đa số học sinh được khảo sát có học lực khá và giỏi.
Phan Thanh Nhật Trang (trái) giới thiệu đề tài nghiên cứu rối loạn tâm lý ở học sinh THPT. Ảnh: D.B |
Khoảng 90% cho rằng việc học gây ra những áp lực nặng nề với họ. Riêng 600 học sinh các lớp chuyên trong đề tài, chỉ có khoảng 100 người thấy hứng thú với học tập, còn lại là "thỉnh thoảng" hoặc "không bao giờ".
Ngoài ra, hơn 26% học sinh có dấu hiệu trầm cảm với các biểu hiện chán ghét bản thân, buồn phiền, có cảm giác bị thất bại, thất vọng, bị mất phương hướng vào tương lai... Khảo sát cũng cho rằng, học sinh lớp chuyên có dấu hiệu bị trầm cảm cao gấp 3 lần học sinh khối thường.
"Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm của học sinh thành phố một phần là áp lực học tập, kế đó là những kỳ vọng của cha mẹ quá nặng nề khiến chúng em lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi cho việc học và các kỳ thi cử", Trang đúc kết sau quá trình nghiên cứu.
Nữ sinh chia sẻ, đề tài nghiên cứu trên xuất phát từ chính nỗi sợ hãi của mình khi đang học lớp 10, 11 và em từng bị trầm cảm. Áp lực tạo ra do em kỳ vọng quá nhiều vào bản thân khi xung quanh có rất nhiều bạn giỏi.
Trong thời gian này, nữ sinh cũng gặp những nỗi buồn liên tiếp khi người thân và bạn bè qua đời. "Khi đó em cảm thấy như sụp đổ, mọi thứ đều trống rỗng và mỗi ngày trở nên rất dài", Trang kể.
Song, nữ sinh đã đủ tỉnh táo để nhìn ra thực trạng của mình. Cô đọc và tìm hiểu một số tài liệu về tâm lý ở nước ngoài, làm thử các bài trắc nghiệm để xem tình trạng của mình đến đâu. Trang tập những cách vượt qua nỗi sợ hãi, chán nản như gặp gỡ nhiều người hơn, thay đổi cách sinh hoạt, tập thể dục. Dần dần, tình trạng tâm lý của Trang tốt trở lại.
Học sinh trường chuyên dễ bị trầm cảm hơn học sinh khối lớp thường. Ảnh: Mạnh Tùng |
A Khương cũng có sự đồng cảm với bạn về "áp lực khủng khiếp" từ việc học khiến cậu chán nản, thất vọng. Khương cho biết, từ nghiên cứu này, hai bạn đã tạo ra một phần mềm giúp mọi người hiểu biết thêm về căn bệnh trầm cảm, phát hiện sớm và vượt qua nó để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Phần mềm gồm có bộ hồ sơ về tư vấn học đường là những bảng khảo sát, đánh giá nhanh tâm lý để đánh giá mức độ, cẩm nang 28 ngày quan tâm và tiến tới 100 ngày tích cực.
Người sử dụng chỉ cần nhập các thông tin về thực trạng của mình, phần mềm sẽ đưa ra những kết quả đánh giá đồng thời chỉ cho họ chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp.
"Về lâu dài, nhà trường cần tăng cường các hoạt động thể chất, ngoại khóa cho học sinh để họ cảm thấy thoải mái hơn cho việc học. Các bạn cũng cần trang bị kiến thức về căn bệnh trầm cảm, tự kiểm soát tâm lý của mình để tránh tiêu cực do nó gây ra", Khương đề xuất.