10 năm người Việt cao thêm được 2,1cm
Người Việt không lùn nhất châu Á
GS Tuyên cho biết, tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2000, chiều cao nam thanh niên 162,3 cm và nữ là 152,4 cm. Đến năm 2010, kết quả điều tra cho thấy chiều cao đạt được của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm. Hiện Viện Dinh dưỡng đang chuẩn bị cho cuộc điều tra sau 2019 - 2020 để đánh giá sau 10 năm.
Với chiều cao này, sau 10 năm, chiều cao trung bình của người Việt tăng lên mức 2,1cm.
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, tuy tăng trưởng chiều cao của người Việt chậm hơn các nước. Như tại Nhật Bản có giai đoạn trong vòng 15 năm, chiều cao của thanh thiếu niên tăng thêm 2,8 cm (đối với nam) và 2,5 cm đối với nữ. Chiều cao nam thanh niên Nhật Bản đạt được hiện tại là 171 cm, nữ thanh niên là 158 cm. Tương tự, tại Hàn Quốc chiều cao trung bình nam thanh niên là 174 cm, nữ 161 cm.
Theo GS Tuyên, những ý kiến đánh giá chiều cao người Việt thấp nhất trong khu vực là không chính xác. Bởi thực tế, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt là 164cm, nữ giới là 1m54. Chiều cao này tương tự với Philipin là 164cm, Indonesia là 164,4cm.
Chiều cao người Việt tăng chậm hơn các nước, trong 100 năm chiến tranh chiều cao người Việt Nam không tăng trưởng. Nhưng sau chiến tranh và bắt đầu từ năm 1990 người ta thấy trẻ em bắt đầu gia tăng chiều cao. Đến 2000 – 2010, giữa hai cuộc điều tra thấy rất rõ chiều cao đạt được có tăng.
"Ở các nước, như Nhật Bản khi đã đạt được chiều cao như trên, trong 10 năm qua họ chỉ cao thêm 0,3- 0,5cm. Còn chúng ta đang ở tốc độ tăng nhanh như thời kỳ vàng người Nhật trải qua. Đến giờ người Nhật không đạt được mức tăng như vậy nữa", GS Tuyên nói.
"Chiều cao nam đã tăng thêm 2,1 cm, nữ 1 cm, đây là mức tăng nhanh nếu so với các quốc gia khác trên thế giới. Với mức tăng trưởng chiều cao 2,1 cm trong vòng 10 năm qua, chắc chắn chiều cao thanh niên Việt Nam các thế hệ sau sẽ tăng tiếp tục với tốc độ nhanh", GS Tuyên kỳ vọng.
Gien quyết định chiều cao!
Với chiều cao hiện tại, chiều cao của thanh niên Việt Nam còn khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.
GS Tuyên cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em, nhưng gien mang tính quyết định nhất. "Tăng chiều cao gien di truyền là chính, nhiều người nói tăng chiều cao do tập luyện, thể dục, sữa... chúng tôi không đồng ý quan điểm đó. Nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới cũng kết luận gien là yếu tố quyết định. Nhưng nếu chúng ta không đảm bảo được dinh dưỡng đầy đủ thì không đạt được đến chiều cao tiềm năng do gien quy định. Vì thế, chúng ta phải can thiệp dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời, một em bé phải được chăm sóc tốt trong 1000 ngày đầu đời, tiền thành niên, vị thành niên rồi đến khi lấy chồng, mang thai... để góp phần thúc đẩy tăng chiều cao đạt được như gien quy định", GS Tuyên nói.
Cùng quan điểm này, BS Nga cho biết, chỉ có 2 giai đoạn để có thể can thiệp phát triển chiều cao là 1000 ngày đầu đời, giai đoạn 2 là trước tuổi dậy thì, và giai đoạn dậy thì.
"Giai đoạn 1000 ngày vàng không bỏ qua được, vô cùng quan trọng. Một nghiên cứu của WHO thấy rằng nếu trẻ 3 tuổi thấp còi nặng, chỉ đạt chiều cao 85cm, khi trưởng thành chỉ cao tối đa 158cm. Nhưng nếu em bé đó chỉ bị suy dinh dưỡng nhẹ, đạt chiều cao 89,5cm, khi lớn sẽ cao 167,3cm. Nếu em bé phát triển tốt, không suy dinh dưỡng, đạt chiều cao 94,5cm lúc trưởng thành có thể cao được 170cm", BS Nga dẫn chứng.
Giai đoạn 2, tuy ít hiệu quả hơn nhưng vẫn tác động được với dinh dưỡng tối ưu, là giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì. Vượt qua giai đoạn này không thể can thiệp chiều cao, mà chỉ can thiệp được về cân nặng.
Để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Một bé gái phải được chăm sóc từ giai đoạn dậy thì, đến khi mang thai, sinh con và chăm sóc tốt dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, rồi lại đến giai đoạn dậy thì, sinh con... Nếu không được chăm sóc tốt, một người thấp bé nhẹ cân lại sinh ra em bé suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời có tính quyết định chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
Giáo sư Tuyên cho biết mục tiêu của Việt Nam năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 176 cm, nữ 156 cm. Ngoài ra, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%.