Chiều 24/4, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về việc triển khai công tác hậu kiểm để đảm bảo an toàn thực phẩm theo Nghị định 15 của Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã nêu quan điểm của Cục về vụ cà phê trộn pin và sản phẩm Vinaca làm từ bột than tre. Đồng thời cho biết, từ đầu năm đến nay, trong số những cơ sở sản xuất, kinh doanh bị kiểm tra, tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm là gần 20%.

vu ca phe tron pin cuc an toan thuc pham len tieng
Tạp chất cà phê nhuộm pin được sản xuất được mang tiêu thụ ở Bình Phước.

Về vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm của một cơ sở ở Đắk Nông trộn bột đá cùng lõi pin thải loại vào phế phẩm cà phê để chế biến thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Cà phê thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, nhưng với trách nhiệm sức khỏe người tiêu dùng là trên hết, tôi cho rằng những hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong đó có lĩnh vực y tế phải bị lên án mạnh mẽ.

Trong 2 vụ việc như ở Hải Phòng cũng như vụ cà phê ở Đắk Nông, cơ quan cảnh sát vào điều tra là rất cần thiết và kết quả như thế nào phải công khai kết quả xử lý vi phạm”.

Thông tin thêm về việc thực hiện công tác hậu kiểm, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thực phẩm phát hiện và xử phạt 15 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền hơn 934 triệu đồng; đồng thời yêu cầu tạm dừng lưu thông 8 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm khác. Sản phẩm vi phạm chủ yếu là sữa, thịt chế biến sẵn và thực phẩm chức năng. Trong số 6 vụ việc mà Cục chuyển cơ quan công an điều tra có 4 vụ chất lượng phẩm không đạt như công bố và 2 vụ nghi giả tài liệu.

Liên quan đến vụ việc sản phẩm Vinaca ung thư làm từ bột than tre nứa vừa bị phát hiện và từng được vinh doanh “Top 10 thương hiệu Việt Nam”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng: "Vừa rồi, một đơn vị trao thưởng chỉ tôn vinh thương hiệu nhưng lại lập luận là không quan tâm đến chất lượng sản phẩm là không được.

Về nguyên tắc, chúng tôi cho rằng phải tuân theo Luật thi đua khen thưởng và phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành quản lý lĩnh vực đó. Không những quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn rất nhiều yếu tố nữa cần phải quan tâm khi xét vinh danh, ví dụ như: môi trường, thuế, chính sách bảo hiểm, đời sống của người lao động tại cơ sở đó”.

Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng trong cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 159.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 31.000 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng. Ngoài xử phạt hình chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; 231 cơ sở phải khắc phục về nhãn mác và 1.590 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng..../