Vụ cá chết sau sự cố nhà máy đường: Thiệt hại 6,5 tỷ đồng
Tôm cá ở đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chết hàng loạt sau sự cố nước thải Nhà máy Đường Khánh Hòa |
Theo ông Hùng, sau sự cố nói trên, người dân nuôi trồng hải sản bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng, với khoảng 140.000 m2 mặt nước bị ảnh hưởng. Trường hợp bị thiệt hại nặng nhất là ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Suối Cam, xã Cam Thành Bắc), với khoảng 1,2 tỷ đồng.
Theo đó, thời điểm nhà máy bị sự cố nước thải, ông Phúc có 3 ao nuôi hải sản, trong đó 1 ao nuôi ốc hương với 4 tấn sắp thu hoạch, còn lại 2 ao nuôi tôm sú, cá mú. “Chúng tôi kiến nghị UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát sau sự cố và yêu cầu Nhà máy Đường Khánh Hòa sớm có phương án bồi thường cho người dân”, ông Hùng nói.
Ông Lâm Ngọc Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc, cho biết, thời điểm xảy ra sự cố, giá ốc hương dao động 245.000-250.000 đồng/kg. “Ốc hương rất nhạy cảm với môi trường nước nên đây là hải sản chết nhiều nhất, rồi đến tôm và cá các loại”, ông Xuyên cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hiện Đoàn kiểm tra liên ngành đã xác định nguyên nhân ban đầu của sự cố.
Theo đó, bước đầu nguyên nhân dẫn đến sự cố là do một mẻ lò luyện đường bị cháy, dẫn đến men vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải bị chết. Khi đó, nhà máy bổ sung, phục hồi men vi sinh nhưng không phục hồi được nên đêm 12 rạng sáng 13/3, nước thải chảy tràn ra hệ thống mương thoát nước, thoát ra đầm Thủy Triều gây cho cá tự nhiên chết hàng loạt.
Hiện nay, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa tiếp tục lấy mẫu nước ở đầm Thủy Triều để kiểm tra, giám sát. Theo đó, hiện các chỉ tiêu về nuôi trồng hải sản đều đạt chuẩn, riêng chỉ tiêu vi sinh tại một số điểm gần nhà máy vượt 6-7 lần so với bình thường (quy chuẩn 1.000 con vi khuẩn/1 ml nước).
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc - ông Lê Quang Hùng, cho rằng, các hộ dân sinh sống gần đầm Thủy Triều lâu nay nuôi trồng hải sản theo hình thức bán công nghiệp, lấy nước trực tiếp từ đầm vào ao, chứ không qua hệ thống xử lý. “Các anh múc nước ở trên mặt nước để lấy mẫu chứ cách đó 1 mét, 2 mét và nước ở dưới lòng thì sao? Bây giờ khuyến cáo người dân lấy nước vào, hải sản lại chết nữa thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Hùng nói.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, vào sáng 13/3, khi người dân ra đầm Thủy Triều (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) thì phát hiện cá, cua, ghẹ… tự nhiên trong đầm bất ngờ chết hàng loạt.
Điều đáng nói, nhiều hộ dân có ao, hồ nuôi hải sản như: tôm, cá mú, ốc hương… ở gần đó khi dẫn nguồn nước từ đầm vào ao cũng gây nên hiện tượng hải sản chết hàng loạt. Được biết, toàn xã Cam Thành Bắc có khoảng 150-200 hộ nuôi trồng hải sản, với diện tích khoảng 70ha.