Ước mơ giản dị của nam sinh chế tạo “cánh tay robot”
Với mong muốn giúp người khuyết tật tay có thể làm được việc, Phạm Huy- học sinh lớp 11A3, trường THPT Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã chế tạo thành công cánh tay robot dành cho người khuyết tật. Đây cũng là học sinh xuất sắc của Việt Nam vừa giành được giải ba tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017.
Phạm Huy sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều hậu quả của chiến tranh và do địa hình phức tạp nên có nhiều vụ tai nạn bom mìn và giao thông xảy ra. Ngay từ nhỏ, em đã ấp ủ ý tưởng làm cánh tay robot giúp những người không may mắn được lắp cánh tay giả để làm được việc thuận tiện hơn.
Phạm Huy chia sẻ, năm lớp 8, em ngẫu nhiên xem một chương trình giới thiệu công nghệ khoa học ở Mỹ thiết kế và chế tạo một cánh tay robot gắn vào người khuyết tật bị tay cụt. Tuy nhiên để có một cánh tay với công nghệ sản xuất này, người sử dụng phải bỏ ra một số tiền rất lớn, trong khi đó hầu hết người khuyết tật là những người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Em Phạm Huy với dự án Cánh tay robot dành cho người khuyết tật vừa đoạt giải Ba Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017 |
Từ đó, Huy đã ấp ủ ý tưởng sẽ chế tạo cánh tay robot gọn nhẹ, dễ sử dụng và giá thành rẻ hơn cho người cụt tay: “Những người khuyết tật gặp khó khăn rất nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là người khuyết tật ở tay. Tay là một công cụ lao động sản xuất thiết yếu của con người.
Trên thị trường đã có sẵn nhiều loại cánh tay khác nhau như cánh tay điều khiển bằng sóng cơ hay sóng não nhưng mà còn rất nhiều hạn chế, chỉ phục vụ cho người khuyết tật bị cụt một tay hoặc mất một phần tay, có giá thành cao nên em muốn tạo ra một cánh tay vừa có thể hỗ trợ cho người khuyết tật mất hoàn toàn cánh tay đồng thời mất hoàn toàn hai cánh tay, có giá thành rẻ phù hợp với đa số người khuyết tật”
Ý tưởng này đã biến thành hiện thực sau hai năm Phạm Huy mày mò, tìm nguyên vật liệu chế tạo sản phẩm và hoàn tất mô phỏng cánh tay robot. Do Huy không phải người khuyết tật nên khi làm và thử nghiệm sản phẩm nhiều lần chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khuyết tật. Để cánh tay robot sử dụng được, Huy và thầy giáo của mình đã mang cánh tay robot đi thử nghiệm trực tiếp trên người bị khuyết tật tay. Qua đó, thu thập ý kiến phản hồi của người sử dụng và tìm ra được các lỗi còn hạn chế của sản phẩm rồi từng bước hoàn thiện.
“Cánh tay robot”, sản phẩm sáng chế của Huy có điểm mới là sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra chi tiết phần vỏ trong thời gian ngắn với độ chính xác cao. Chỉ cần một tệp in gốc là có thể tạo ra nhiều tệp in khác nhau tùy thuộc vào dạng khuyết tật. Đặc biệt, chi phí để làm cánh tay robot chỉ hơn 3 triệu đồng. Sản phẩm được điều khiển bằng các ngón chân, có thể co duỗi ngón tay, úp ngửa bàn tay, cẳng tay; có cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ cầm vào quá nóng, gây nguy hiểm…cho người sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen cho Phạm Huy đạt giải ba khi tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017 |
Với những thao tác của chân thì “cánh tay robot” có thể cầm nắm được nhiều loại đồ vật khác nhau.
Nói về nguyên lý hoạt động của cánh tay, Phạm Huy cho biết: “Sau khi làm với một số người khuyết tật ở địa phương giúp em đưa ra các lỗi sai các hạn chế của cánh tay từ đó từng bước từng bước có thể hoàn thiện. Công nghệ không cao nhưng đã khắc phục được những hạn chế mà người ta chưa làm được. Ví dụ như nó có thể phục vụ cho người mất cả hai tay, có giá thành rẻ. Robot của em có thể sử dụng hai bàn chân để điều khiển hai bàn tay một lúc, hoàn toàn độc lập với nhau. Em tiếp tục nâng cấp các phần công nghệ và làm nó nhỏ gọn hơn và có thể đưa nó vào cuộc sống phục vụ cho người khuyết tật”.
Với ưu điểm dễ sử dụng, có tính năng khá hoàn thiện và ý nghĩa nhân văn, giá thành lại rẻ và có thể dùng được cho người mất cả hai tay nên đề tài “cánh tay robot giúp người khuyết tật” của Phạm Huy đã được ban giám khảo là các nhà khoa học trên thế giới ở Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017 đánh giá cao. Đề tài của em đã đoạt được giải ba.
Bà Nguyễn Thị Niềm, mẹ của Phạm Huy tự hào kể về con trai của mình: “Huy đam mê robot từ nhỏ. Khi đó, tôi cứ nghĩ là cháu tìm tòi để thay thế đồ chơi thôi nhưng dần dần lên cấp hai thì thấy cháu biểu hiện rõ rệt hơn. Nhiều khi gia đình cũng cản nói với Huy là lo học hành đi sợ đam mê chảnh mảng học hành cản không nổi thấy đam mê cháy bỏng quá nhà đành phải chiều theo. Nhà tôi làm nông nghiệp không có điều kiện kinh tế nên Huy thường cóp nhặt tiền quà rồi mua, cũng có những cái lượm nhặt từ những đồ chơi em khác không chơi vứt ra rồi về tự làm”.
Sau thành công ban đầu này, Phạm Huy đang mong muốn tìm được nhà đầu tư giúp em có điều kiện hoàn thiện sản phẩm và đưa ra ứng dụng rộng rãi, giúp những người không may mắn bị khuyết tật tay bớt phần khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ vậy, với kiến thức tích lũy được, Huy còn muốn “truyền lửa” cho các bạn học sinh khác nghiên cứu và đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo có giá trị./.