Tương lai nào cho công nghệ "xe xanh" tại Việt Nam?
Trong các công nghệ xe xanh, phổ biến nhất và có tính ứng dụng cao nhất hiện nay là xe hybrid (lai) truyền thống, vì không đòi hỏi nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, như xây các trạm sạc điện, hay các trạm năng lượng thay thế như xe chạy điện (EV), xe hybrid sạc điện (PHEV) hay xe chạy pin nhiên liệu...
Thế nào là xe hybrid (xe lai) và lợi ích là gì?
Xe lai - hybrid (HV) là xe vận hành bằng hệ thống truyền lực có ít nhất hai nguồn chuyển đổi năng lượng khác nhau và hai hệ thống lưu trữ năng lượng khác nhau (trên xe).
Loại xe hybrid phổ biến nhất hiện nay là sử dụng kết hợp hai nguồn năng lượng xăng và điện. Bằng việc kết hợp lợi ích của động cơ xăng và mô-tơ điện, các xe hybrid đảm bảo tính năng vận hành không thua kém xe động cơ xăng thuần tuý, nhưng vẫn đảm bảo tính thân thiện môi trường.
Khi chỉ chạy bằng điện, xe hybrid không phát thải bất kỳ lượng CO2 nào và khi kết hợp với động cơ xăng, xe hybrid thải ra lượng khí NOx và CO2 thấp hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong thông thường (xe chạy xăng và diesel thuần tuý).
Với sự hỗ trợ của mô-tơ điện khi tải thấp và tốc độ ổn định, xe hybrid có thể tiết kiệm xăng hơn xe truyền thống từ 1,5 đến 2 lần. Ví dụ như xe Prius của Toyota chỉ tiêu thụ 3,5 lít xăng cho 100 km, trong khi xe động cơ xăng thông thường loại 1.5L tiêu thụ 7 lít xăng cho 100 km.
Tiên phong trong lĩnh vực xe hybrid là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota, với sự góp mặt ở tất cả các phân khúc, từ các xe du lịch cỡ nhỏ cho tới xe thương mại. Tính đến hết tháng 1/2017, luỹ kế doanh số xe hybrid của Toyota đã vượt mốc 10 triệu chiếc trên toàn cầu, minh chứng rõ ràng nhất cho tính ưu việt của công nghệ này.
Theo tính toán của Toyota, việc sử dụng xe hybrid của hãng thay cho các loại xe động cơ xăng truyền thống cùng kích cỡ và tính năng vận hành trong suốt 20 năm qua đã giúp giảm gần 77 triệu tấn khí thải CO2 ra môi trường và tiết kiệm gần 29 tỉ lít xăng.
Chưa nhiều xe xanh về Việt Nam dù có chính sách ưu đãi
Nhận thấy những lợi ích mà xe thân thiện với môi trường nói chung chung và xe hybrid nói riêng mang lại cho môi trường, chính phủ nhiều nước đã đưa ra những quy định và chính sách để thúc đẩy sự phát triển của loại xe này; cụ thể là một mặt tạo ra điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà sản xuất ô tô đầu tư vào công nghệ này; mặt khác thúc đẩy người tiêu dụng tiếp cận loại xe này.
Ví dụ, Pháp áp dụng chính sách giảm 50% phí đăng kí cho xe hybrid, xe sử dụng pin nhiên liệu và xe sử dụng khí gas hóa lỏng. Thành phố Bozen ở Italy giảm thuế đường bộ cho xe hybrid trong 3 năm. Trong khu vực châu Á, các chủ xe hybrid ở Hàn Quốc được hưởng nhiều ưu đãi thuế khi mua xe, giảm 50% thuế đường và mức phí bảo hiểm thấp hơn so với những người mua xe thông thường. Tại Thái Lan, xe hybrid đến 10 chỗ chỉ chịu mức thuế nội địa là 10% cho xe có dung tích động cơ không vượt quá 3.000cc, trong khi mức áp dụng với các dòng xe cùng loại là 30-40%...
Việt Nam cũng đã nhận thức được về tầm quan trọng của việc phải có những chính sách ưu đãi dành cho xe thân thiện với môi trường (xe xanh). Điều này thể hiện ở việc ban hành các quy định và mức thuế tiêu thụ đặc biệt có lợi cho loại xe này.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có mẫu xe thân thiện với môi trường nào được hưởng áp dụng các chính sách đó. Sở dĩ như vậy vì Bộ Tài chính chỉ coi xe sử dụng năng lượng điện kết hợp với xăng, có hệ thống nạp điện ở ngoài là xe thân thiện môi trường (xe xanh). Như vậy tức là xe hybrid truyền thống, với hệ thống chuyển đổi từ xăng sang điện, không được thừa nhận là xe xanh và không nằm trong diện được áp dụng mức thuế TTĐB ưu đãi thấp hơn 20% so với xe thông thường cùng chỗ ngồi (theo luật thuế TTĐB năm 2016).
Đây được coi là một bất cập trong chính sách ưu đãi dành cho xe thân thiện môi trường, vì xe có hệ thống sạc điện ngoài (xe hybrid sạc điện - PHEV, xe chạy điện hoàn toàn...) hiện chưa phù hợp với hạ tầng giao thông Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư lớn để xây dựng hệ thống trạm sạc điện cho xe.
Trong khi đó, xe hybrid truyền thống tạo ra năng lượng điện từ máy phát động cơ xăng làm việc thông qua động cơ đốt trong và năng lượng thu hồi (xe xuống dốc, phanh, xe dừng và động cơ đốt trong hoạt động sinh ra điện).
Trên thực tế đó, các cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để các doanh nghiệp ô tô và người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ các quy định hay mức thuế này, để từ đó tạo sự chuyển dịch trên thị trường ô tô, hoà nhập với xu hướng chung của thị trường thế giới.
Nhật Minh