Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/8 đã nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Động thái này đưa ra chỉ một tuần, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của trong tháng 7 vừa qua.

trung quoc ung ho nghi quyet cua lhq trung phat trieu tien

Đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc trong một lần bỏ phiếu về nghị quyết của Hội đồng Bảo an trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 6. Ảnh: AP.

Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nghị quyết cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. Nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, buộc họ phải chịu sự đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại.

Những biện pháp trên được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc và là lệnh trừng phạt đầu tiên ở quy mô như vậy đối với Triều Tiên, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nêu bật sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc trừng phạt Triều Tiên.

Cộng đồng thế giới đã ngay lập tức phản ứng về nghị quyết trên của Hội đồng Bảo an.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong một tuyên bố đã nói rằng, đây là loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất mà Hội đồng Bảo an từng áp đặt đối với một quốc gia.

“Hôm nay, Hội đồng Bảo an đã cùng nhau thống nhất trong lập trường về trừng phạt Triều Tiên. Và đây cũng là lần mà Hội đồng Bảo an không chỉ thống nhất được cả trong hành động, mà cả lời nói trong vấn đề này.”

Trung Quốc – quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thường phản đối các lệnh trừng phạt của cơ quan này đối với Triều Tiên, cũng đã bày tỏ ủng hộ nghị quyết. Theo đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất, việc Hội đồng Bảo an gia tăng trừng phạt hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm mức mới.

Nghị quyết cũng cho thấy, thế giới đã thống nhất trong quan điểm về tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lưu Kết Nhất hoan nghênh tuyên bố của Mỹ không tìm kiếm giải pháp thay đổi thể chế của Triều Tiên, cũng như ưu tiên thống nhất hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, cũng như Đại sứ Nga, Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất đã chỉ trích việc Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên ngừng triển khai hệ thống này.

Ông Lưu nói: “Việc triển khai hệ thống khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc sẽ không mang lại giải pháp cho vấn đề thử tên lửa của Triều Tiên. Nó sẽ chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cân bằng chiến lược của khu vực cũng như gây bất lợi đối với lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia khu vực trong đó có Trung Quốc”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dự kiến, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên. Bởi lẽ xuất khẩu than, quặng và nhiều nguyên liệu thô khác sang Trung Quốc là hoạt động xuất khẩu chính của Triều Tiên.. Hoạt động này mỗi năm năm mang về cho Triều Tiên 3 tỷ USD./.