Trung Quốc có thể cấm tàu nước ngoài đi qua lãnh hải
Tàu chiến USS Curtis Wilbur của Mỹ di chuyển ở gần cảng Trung Quốc (Ảnh: Sputnik) |
“Bản dự thảo luật sẽ trao quyền cho các nhà chức trách hàng hải được phép ngăn không cho các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của Trung Quốc nếu phát hiện các tàu này có thể gây phương hại cho an ninh và trật tự hàng hải”, Sputnik dẫn một đoạn trong bài viết được đăng trên Thời báo Hoàn cầu hôm 16/2.
Theo đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch sửa đổi một số nội dung trong Luật An toàn Hàng hải được ban hành từ năm 1984. Văn phòng Lập pháp thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 14/2 thông báo bản dự thảo luật sẽ được công bố để lấy ý kiến nhận xét của công chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Cũng theo Văn phòng Lập pháp, dự thảo luật an toàn hàng hải sửa đổi được soạn thảo dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), kết hợp với luật nội bộ của Trung Quốc liên quan tới các vùng biển, vùng biển liền kề và vùng đặc quyền kinh tế.
Trong dự thảo luật lần này, Trung Quốc quy định các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua lãnh hải của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo cờ của nước đó và báo cáo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc. Nếu các tàu nước ngoài cố tình đi qua vùng biển của Trung Quốc mà chưa nhận được sự đồng ý từ Bắc Kinh thì có thể bị phạt từ 300.000-500.000 Nhân dân tệ (khoảng 43.000-72.000 USD).
Một báo khác của Trung Quốc là China News Service ngày 14/2 cũng đã đưa tin về nội dung dự thảo sửa đổi luật an toàn hàng hải mà Bắc Kinh đang xem xét. Mặc dù báo này không nêu chi tiết dự thảo nhưng cho biết những thay đổi trong dự thảo “sẽ tăng cường hệ thống quản lý cơ bản đối với các tàu nước ngoài ra vào lãnh hải (Trung Quốc), những chuyến hành trình vô hại cũng như quyền truy đuổi và trục xuất khẩn cấp”.
Dự thảo luật mới không đề cập trực tiếp tới Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý hòng chiếm trọn 80% diện tích vùng biển này, theo Reuters. Trung Quốc thường xuyên chỉ trích Mỹ vì đã tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở khu vực gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.