Triều Tiên chỉ trích Mỹ “quá vội vàng”
Tới Triều Tiên với trọng trách phát triển một lộ trình cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không thể giúp củng cố niềm tin của Triều Tiên đối với thiện chí của mình.
Trong khi phía Mỹ đánh giá các cuộc thảo luận là mang tính xây dựng, thì phía Triều Tiên lại cho rằng, người Mỹ đã “quá vội vàng” và lấy làm tiếc về kết quả cuộc gặp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Triều Tiên Kim Kim Yong-chol. Ảnh: AFP |
Ngày thảo luận thứ hai diễn ra hôm qua (7/7) giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Triều Tiên Kim Kim Yong-chol, người được xem là cánh tay phải của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là nhằm phát triển một lộ trình chi tiết hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là những gì đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore hôm 12/6 vừa qua.
Tới Bình Nhưỡng trong chuyến thăm Triều Tiên lần thứ 3, Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã có tổng cộng hơn 8 tiếng thảo luận với Ngoại trưởng Triều Tiên Kim Yong-chol.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đã khẳng định, các cuộc thảo luận với phía Triều Tiên là “rất hiệu quả”. Theo ông, dù đây là những vấn đề phức tạp song hai bên đã đạt được những bước tiến trong hầu hết các vấn đề quan trọng.
Ông Pompeo nói: “Chúng tôi đã có nhiều giờ thảo luận hữu ích. Đây là những vấn đề phức tạp, song chúng tôi đã đạt được bước tiến trong hầu hết các vấn đề quan trọng, dù một số vấn đề vẫn cần phải làm việc thêm. Chúng tôi đã mở ra một con đường để các bên có thể thành công và tiếp tục các cuộc đàm phán”.
Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của Mỹ, phía Triều Tiên lại đánh giá không cao kết quả cuộc gặp này, cho rằng những yêu cầu mà Mỹ đưa ra là “quá vội vàng”.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, thái độ của Mỹ và những lập trường mà nước này đưa ra trong các cuộc thảo luận cấp cao 2 ngày qua là “cực kỳ đáng tiếc”.
Trong khi đó, Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, Triều Tiên từng nghĩ rằng, phía Mỹ sẽ đến và mang theo một sáng kiến mang tính xây dựng và rằng, Triều Tiên có thể cảm nhận được thiện chí. Tuy nhiên, sau những cuộc thảo luận cấp cao này, niềm tin giữa Triều Tiên và Mỹ lại đang phải đối mặt với một tình huống nguy hiểm, có thể làm hao mòn quyết tâm mạnh mẽ và bền vững của Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cho biết, nhân cuộc gặp, lãnh đạo Triều Tiên đã gửi thư cá nhân tới Tổng thống Donald Trump, trong đó bày tỏ hy vọng mối quan hệ tuyệt vời và sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo sẽ được củng cố sau các cuộc thảo luận.
Theo Giáo sư Yang Moo-Jin thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, với động thái này, dường như Triều Tiên đang muốn tạo ra sự tách biệt giữa các quan chức Mỹ và Tổng thống Trump, cho thấy sự tin tưởng hơn của nước này đối với cá nhân nhà lãnh đạo Mỹ. Điều này không có nghĩa là chấm dứt các cuộc thảo luận, mà Triều Tiên đang tìm cách ở thế trên trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Triều Tiên chờ đợi Ngoại trưởng Mỹ mang một đề xuất cụ thể về đảm bảo an ninh, song đã bị thất vọng khi người Mỹ lại một lần nữa nhắc lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước khi Mỹ đưa ra bất kỳ sự trao đổi nào.
Từ sau Hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6, Tổng thống Trump đã thể hiện sự lạc quan đối với cơ hội hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân đã bị đẩy lùi. Dù thông cáo đưa ra sau Hội nghị không có nhiều chi tiết, song Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và không thể bị phá vỡ hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên./.