Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội nghị |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2018, toàn quốc có 4 ổ dịch cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N6 tại Hải Phòng và Nghệ An làm cho 13.215 gia cầm bị mắc bệnh và phải tiêu hủy; 9 ổ dịch lở mồm long móng tại 3 huyện Bắc Yên, Phù Yên và Sông Mã của tỉnh Sơn La làm 612 con gia súc mắc bệnh; 1 ổ dịch tai xanh trên lợn tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với 20 con lợn mắc bệnh; 1 ổ dịch dại trên đàn chó ở xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trước diễn biến thất thường của thời tiết nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch trong thời gian tới là rất cao.
Tại Thái Nguyên, trong những năm gần đây và năm 2018, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, thủy sản, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cơ bản đã được khống chế, tổ chức tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người) với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 9/9/2018, Trung Quốc cũng đã báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Đáng lo ngại hơn là bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh động vật hiện nay, để đảm bảo ổn định ngành chăn nuôi, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các bộ, ngành chức năng chủ động và nghiêm túc triển khai các biện pháp ứng phó dịch tả lợn châu Phi, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt để tăng cường, nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Chủ động cung cấp thông tin đến các địa phương và các hộ chăn nuôi để kịp thời nắm bắt, phòng, chống; nghiêm cấm các hành vi vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; vệ sinh tiêu độc, khử trùng và giám sát chặt chẽ các điểm giết mổ, địa điểm trung chuyển, không để các dịch bệnh xảy ra; thành lập các đoàn công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc các địa phương thực hiện.
Đối với việc phòng, chống dịch bệnh động vật mùa thu đông, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm trong mùa thu đông như: lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tai xanh…; giám sát chặt chẽ địa bàn để kịp thời phát hiện các ổ dịch, không để lây lan sang diện rộng, tránh gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi./.