Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 và 10 của HĐND tỉnh khóa XIII
Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường ống nước là một trong những giải pháp của Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên nhằm khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị đục

1. Cử tri thành phố Thái Nguyên đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng nước sạch cung cấp cho nhân dân, do có tình trạng trong một số thời điểm nước sử dụng rất bẩn, đục tại một số khu vực trong thành phố.

Trả lời: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra ý kiến phản ánh của cử tri. Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có Trạm cấp nước Quang Vinh, Trạm cấp nước Túc Duyên, Nhà máy nước sạch Tích Lương. Trong năm 2019 và 2020 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có tình trạng nước sinh hoạt thỉnh thoảng có hiện tượng đục bẩn. Nguyên nhân xuất hiện hiện tượng cặn bẩn do quá trình sửa chữa khắc phục sự cố đường ống đột xuất của Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên gây ra. Khi công ty khắc phục xong thì không còn hiện tượng nêu trên.

Ông Trần Tiến Soạn, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên cho biết về phương án mà đơn vị đã thực hiện để khắc phục tình trạng trên: “Về phản ánh của cử tri công ty đã có phương án. Giải pháp thứ nhất là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn nước đầu vào tại các xí nghiệp sản xuất. Thứ 2 là có biện pháp phương án xúc sả thường xuyên trên những tuyến ống có hiện tượng gây đục. Còn cử tri có ý kiến phản ánh là nước đục thì thực chất là do đục cục bộ. Công ty đã có biện pháp tăng cường kiểm tra và thực hiện giải pháp cải thiện là sửa chữa nhanh các sự cố. Vì nguyên nhân chính là do quá trình sửa chữa các tuyến đường gây nên. Biện pháp là sau khi sửa chữa nhanh thì thực hiện các biện pháp xúc sả và câp lại nước bình thường cho dân”.

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 và 10 của HĐND tỉnh khóa XIII
Hiện nay, dự án xử lý cấp bách kè mái bờ sông Đào từ Cầu Mây, xã Xuân Phương đến Cầu Thùng, xã Lương Phú, huyện Phú Bình đang chờ phê duyệt kinh phí triển khai

2. Cử tri huyện Phú Bình đề nghị tỉnh quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng kè hai bên bờ sông Đào để chống sạt lở.

Trả lời: Sông Đào là một hệ thống kênh dùng cho cả mục đích nông nghiệp và giao thông phục vụ chủ yếu cho huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Qua nhiều năm sử dụng, đoạn kênh qua trung tâm huyện Phú Bình đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa được kiên cố hóa, lòng kênh bị bồi lắng, mái trong hai bờ kênh bị sạt trượt, tạo thành các hố xói sâu vào Quốc lộ 37 gây mất an toàn giao thông. Việc đầu tư xây dựng kè hai bên bờ song Đào là hết sức cần thiết. Do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thon, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư Dự án xử lý cấp bách kè mái bờ sông Đào từ Cầu Mây, xã Xuân Phương đến Cầu Thùng, xã Lương Phú, huyện Phú Bình.

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 và 10 của HĐND tỉnh khóa XIII
Hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi của nhà máy Cốc hóa (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đang được khắc phục theo giai đoạn

3. Cử tri tổ dân phố số 6, 7, 28, 29, 30, 31 phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên đề nghị tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi do Nhà máy Cốc hóa thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên gây ra. Cử tri Trần Khắc Bằng, tổ 6 Phường Cam Giá, Thành phố Thái Nguyên phản ánh: “Nói chung ban đêm không thể ngửi được. Mùi khét của than và bụi đen sì. Và mỗi ngày hót được khoảng 1 bát than”.

Trả lời: Sau kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao các Sở, ngành và UBND thành phố Thái Nguyên tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT của Nhà máy này.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 3/9/2020 Sở Tài Nguyên và Môi Trường đã làm việc với Nhà máy Cốc hóa, Kết quả cho thấy: Nhà máy vẫn tiếp tục duy trì các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm như: Vận hành đầy đủ hệ thống xử lý khí dập cốc; thường xuyên kiểm tra và phun trát cửa lò, thân lò để ngăn ngừa phát tán khí ô nhiễm; tiếp tục dừng hoạt động phân xưởng hóa cốc; chuyển khí cốc đến các nhà máy khác trong Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên để sử dụng làm nhiên liệu thay thế dầu FO; bố trí đầu đốt hủy khí cốc khi phải xả điều áp. Trong năm 2020, Nhà máy đã nghiên cứu đề xuất và được Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên phê duyệt phương án sửa chữa thể gạch mặt lò cốc để làm kín thể lò nhằm hạn chế tối đa khí than rò rỉ ra môi trường.

Hiện phương án được thực hiện và hoàn thành trong tháng 12/2020; Đồng thời tiếp tục duy trì vận hành các thiết bị xử lý khí thải và tiêu hủy khí thừa lò cốc. Bên cạnh đó, nhà máy cũng đang tích cực phối hợp với các chuyên gia của các trường Đại học nghiên cứu thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học công nghệ nano khử mùi nước thải có chưa phenol phát sinh trong quá trình dập cốc.

Ông Phạm Tài Anh, Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Cốc hóa, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết: “Trong quá trình thực hiện sản xuất than cốc luyện kim chúng tôi cũng cố gắng tìm mọi cách để hạn chế việc thất thoát than ra ngoài môi trường. Thứ 2 là tăng cường các hệ thống tháp dập nước, tháp dập khí để giảm thiểu ảnh hưởng ít nhất đến môi trường. Vừa rồi chúng tôi đã kết hợp với khoa Môi trường trường Đại học Bách Khoa nghiên cứu thử nghiệm công nghệ nano để khử mùi khí cốc. Trong quá trình sắp tới, chúng tôi tiếp tục quan trắc môi trường xử lý để theo dõi và đảm bảo ảnh hưởng của sản xuất cốc đến môi trường, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến người dân. Trong nghị quyết đại hội Đảng bộ công ty nhiệm kỳ 2020-2025, sẽ tập trung mọi nguồn lực để đưa dự án giai đoạn 2 vào hoạt động, trong đó có nhà máy cốc. Khi đó, việc sản xuất than cốc sẽ theo một công nghệ mới, đáp ứng được yêu cầu của môi trường và bỏ hệ thống sản xuất cũ như hiện nay”.

UBND tỉnh giao Sở Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi giám sát và đôn đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khấn trương hoàn thiện phương án khắc phục tình trạng ô nhiễm hơi khí thải từ nhà máy Cốc Hóa.

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 và 10 của HĐND tỉnh khóa XIII
Khu vực đập chứa nước thải của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã được xây dựng và giám sát hoạt động nghiêm ngặt, đảm bảo không để xảy ra sự cố vỡ hay tràn đập

4. Cử tri xã Hà Thượng huyện Đại Từ phản ánh mực nước tại Khu vực đập chứa nước thải của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo quá cao đe dọa tính mạng trực tiếp của người dân Hang Hùm. Hiện tại nguồn nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm, nhân dân muốn có nước phải mua về dùng.

Trả lời: Về Khu vực đập chứa nước thải của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo chính là khu vực hồ chức OTC và STC. Kiểm tra mực nước tại hồ OTC và hồ STC, đánh giá mức độ an toàn hồ đập.

Theo hồ sơ thiết kế của đập chắn hồ STC có cao trình mặt đập khi kết thúc là +150m; Đập chắn hồ OTC có cao trình mặt đập khi kết thúc là +140m. Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đang thi công theo giai đoạn. Tại thời điểm hiện tại cao trình đập hồ STC là +131m. Mực nước trong hồ STC hiện tại là 117,15m. Đối với mặt đập hồ OTC là +109m và mực nước trong hồ là 100,3m. Đều nằm dưới mức thiết kế.

Đánh giá mức độ an toàn: Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã lắp đặt các thiết bị quan trắc tại các lỗ khoan dọc theo thân đập để quan trắc thấm, áp lực nước, dịch chuyển, lún, mực nước, theo dõi, giám sát và đánh giá các thông số an toàn của đập, hồ chứa đuôi quặng.

Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc đối ngoại, cộng đồng, môi trường, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho biết: “Các hồ chứa đuôi quặng của Núi Pháo thuộc diện lớn nhất Việt Nam. Các hồ chứa đuôi đó do một đơn vị tư vấn của Úc thiết kế. Tất cả công tác xây dựng, quản lý hồ chứa đều được thực hiện bởi 1 đơn vị giám sát quốc tế công tâm, khách quan. Việc vận hành được thực hiện bởi các chuyên gia đầu ngành của thế giới. Trên thân đập có đặt 50 trạm quan trắc để theo dõi về độ dịch chuyển, nhiệt độ, độ thấm và độ lún của đập. Khi thiết kế và thi công chúng tôi tính toán sức chịu của đập với động đất 7,2 độ richter. Và với đứt gãy của Sông Hồng ở thời điểm hiện tại thì miền bắc Việt Nam chưa ghi nhận trận động đất nào trong quá khứ vượt quá 6 độ richter cả. Nên sự an toàn của đập là đảm bảo. Thứ 2 đập được xây dựng với sức chịu đựng tần suất mưa lớn. Theo quan trắc về thủy văn thì từ trước đến giờ chưa có một trận mưa nào đủ độ lớn để đe dọa đến sự an toàn của thân đập núi Pháo. Vì vậy, bà con nhân dân hãy yên tâm. Sự cố vỡ đập hay tràn đập là không thể xảy ra với mỏ Núi Pháo”.

Về công tác hỗ trợ cung cấp nước sinh hoạt: Từ 1/2017 đến nay, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt, ăn uống miễn phí cho khoảng 100 hộ dân với 386 nhân khẩu thuộc khu vực Hang hùm, xóm Giữa, Hang Rắn, xóm 6, xóm 2 thuộc xã Hà Thượng với 5 triệu lít nước ăn uống và sinh hoạt, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.