Tổn thương nặng vì xoa bóp trị bong gân không đúng cách
Bong gân, trật khớp như “cơm bữa” |
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, nhiều người do vận động nặng, chạy bộ, chơi thể thao, đặc biệt là các vận động viên thể thao… đều không tránh khỏi tình huống sơ ý dẫn đến việc bị tổn thương ở cổ tay, cổ chân… Đa số bị trật chân, bong gân hay còn gọi là lật sơ mi. Bong gân sẽ làm cho tất cả các dây chằng cổ chân bên ngoài và bên trong dãn ra, gây ra các triệu chứng đau nhức, khó vận động hoặc không vận động được. Tuy nhiên, khi gặp tình huống này nhiều người vẫn mập mờ cách xử lý.
Anh Nguyễn Văn Nam (28 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM) cho biết, mỗi tuần hai buổi tối anh tham gia đá bóng để rèn luyện sức khỏe. Trong lúc chơi thể thao anh bị trật gân, bong gân là chuyện thường xuyên. “Cách đây một tuần, trong lúc đá bóng, tôi có va chạm với đội bạn dẫn đến bị té. Lúc này cổ chân trái của tôi bị tổn thương, đau nhức nên có nhờ bạn xoa bóp cho đỡ đau. Mới đầu tôi thấy cũng dễ chịu nhưng khi về tới nhà tôi đi lại khó khăn. Chỗ bị tổn thương đau nhức và sưng to lên”.
Mặc dù có dấu hiệu trên nhưng anh Nam lại không đến khám, anh tự ý mua thuốc và bôi vào cổ chân rồi xoa bóp thường xuyên. Hai ngày sau đó, thấy tình trạng không thuyên giảm, anh Nam đến một phòng khám tại quận Gò Vấp kiểm tra. Tại đây, kết quả cho thấy, anh bị dãn mạch vùng tổn thương, sưng phù, vết thương trở nên nặng.
Cùng cảnh, ông Lê Văn Nghĩa (Bình Chánh, TPHCM) do vận động nặng nên bị bong gân. Để điều trị bệnh, ông Nghĩa nhờ vợ mua chai dầu nóng để xoa bóp. Thấy không khỏi, ông nghe lời người quen dùng rượu thuốc bôi vào chỗ đau… và xoa, bóp thường xuyên dẫn đến vùng tổn thương sưng phù vì biến chứng. Rất may, ông Nghĩa được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Xoa, bóp, kéo nắn… gây tổn thương mạch máu thần kinh
Bác sĩ Phùng Văn Hà, CKI Khoa Ngoại chấn thương - Bệnh viên Đa Khoa Lâm Đồng cho biết, việc bong gân, trật chân là tình huống thường xuyên xảy ra và hầu hết trong quá trình vận động ai cũng có thể bị.
“Trên thực tế, nhiều trường hợp thường gặp khi đi lại, chơi thể thao bị trật chân. Sau bong gân đó, nhiều người không biết cách xử lý, thường thì họ bóp hoặc xoa vùng tổn thương. Việc này dễ làm dãn mạch vùng tổn thương, sưng phù ra, tình trạng nặng hơn… rất nguy hiểm”, bác sĩ Hà nói.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp kéo nắn sẽ làm tổn thương từ độ một (chỉ rách một phần) dẫn đến rách nhiều và tổn thương mạch máu thần kinh. Tuyệt đối không xử lý tình huống bằng cách này.
Bác sĩ Hà khuyến cáo, khi xử lý vấn đề bong gân: trường hợp đi lại, chơi thể thao không may bị trật chân phải ngừng tất cả hoạt động. Sau đó lấy đá bỏ vào túi nilon hoặc túi vải rồi chườm đá lên vùng bị tổn thương trong vòng 10 phút (chườm đá 3-4 lần). Tiếp đó băng ghép cho chân bệnh nhân lên cao. Nếu nặng, phải chuyển bệnh nhân lên các cơ sở y tế, bệnh viện… để kiểm tra lâm sàng giúp phát hiện: không đứt hoặc đứt dây chằng hoàn toàn… Nếu đứt hoàn toàn, phải phẫu thuật và tái tạo dây chằng thì bệnh nhân mới có thể đi lại được.
“Việc sử dụng dầu nóng, rượu thuốc và xoa, bóp không đúng cách vùng bị tổn thương để trị bong gân, trật khớp sẽ dẫn đến vùng tổn thương chuyển hướng từ nhẹ thành nặng, gây nguy hiểm”, bác sĩ Hà nói.