Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 22/9/2023

Thế giới
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thông tin về bệnh nhi 15 tuổi mắc bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”) ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, đã tử vong ngày 19/9 dù đã được tích cực điều trị.
aa

Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng cách phòng bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người'

Tin 24h ngày 22/9/2023
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. (Nguồn: NPR)

Trên cơ sở đó, ngày 22/9, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo cộng đồng phòng chống bệnh Whitmore.

Theo Bộ Y tế, bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và các ca bệnh gần đây nhất được phát hiện tại Đắk Lắk, Thanh Hóa, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời./.

Kon Tum: Xảy ra trận động đất có độ lớn 4,4 tại huyện Kon Plông

Thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sáng 22/9 cho biết đơn vị này vừa ghi nhận trận động đất có độ lớn 4,4 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trận động đất trên xảy ra vào lúc 7 giờ 45 phút, tại tọa độ 14.883 độ Vĩ Bắc - 108.303 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.

Trước đó, vào hồi 23 giờ 21 phút ngày 21/9 và 5 giờ 4 phút cùng ngày, tại khu vực huyện miền núi Kon Plông cũng đã xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 2,7 và 2,9 tại tọa độ 14.819 độ Vĩ Bắc - 108.263 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1-10 km.

Tính đến nay, các trận động đất trên không gây rủi ro thiên tai.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7 xảy ra vào chiều 23/8/2022.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết từ tháng 6/2021, đơn vị này đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm có thể xảy ra.

Bản đồ tâm chấn động đất có độ lớn 4,4 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Nguồn: Viện VLĐC)

Trên cơ sở đó, đầu tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.

Số liệu ghi nhận được từ các trạm cho thấy trong thời gian gần đây, tại khu vực huyện Kon Plông, động đất xảy ra thường xuyên hơn và có xu hướng mạnh hơn. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại tại khu vực trên nhưng các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân địa phương.

Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng những trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0. Dù vậy, Viện Vật lý Địa cầu vẫn thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng.

Cùng với đó, chính quyền các cấp địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.

Khi nhận được tin động đất, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải sẵn sàng sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn./.

Nguy hiểm khôn lường nếu chủ quan với sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết hiện đã lan rộng tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 8 đến 15/9, thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8/2023.

Ngoài ra, thành phố ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca). Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có ba ca tử vong; so cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần bốn lần; số ca tử vong tương đương.

Dịch sốt xuất huyết hiện đã lan rộng tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh.

Đáng chú ý, trong ba ca mắc sốt xuất huyết tử vong có hai bệnh nhân nữ không có bệnh nền, ca tử vong gần đây nhất chỉ mới 20 tuổi ở huyện Quốc Oai. Nữ bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau người vào ngày 28/8 và tự mua thuốc uống tại nhà. Ba ngày sau đó, gia đình mời nhân viên y tế đến nhà truyền dịch cho bệnh nhân. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết Dengue NS1.

Đến 5 giờ ngày 3/9, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai. 22 giờ ngày 3/9, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Mặc dù được điều trị tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, duy trì thuốc vận mạch, nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân tử vong vào ngày 4/9.

Trước đó, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao, đau đầu dữ dội do sốt xuất huyết, song tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện đã tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân nhập viện khi các triệu chứng sốt, đau đầu không thuyên giảm, dù tự uống thuốc bốn ngày, kèm chảy máu cam. Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ nhận định, tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.

Khỏe lại sau đợt ốm kéo dài, chị Lê Thị Thu Thương (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) bàng hoàng khi đọc các thông tin về dịch sốt xuất huyết. Chị Thương cho biết, dù có nghe cảnh báo về dịch bệnh nhưng vẫn không mấy để tâm bởi nhà ở chung cư, lại ở tầng cao. "Trong nhà gần như không có muỗi, cho nên khi bị sốt cao kèm đau đầu, đau người, tôi nghĩ chắc do sốt vi-rút. Chủ quan vì không có bệnh nền, cho nên tôi không đi khám, mà chỉ mua hạ sốt uống, sau ba ngày thì hết sốt và bốn ngày thì hết đau người. Giờ bình phục lại và đọc các thông tin triệu chứng của bệnh nhân tử vong mà tự thấy "hú hồn" bởi sự chủ quan của mình"- chị Thương cho hay.

Bác sĩ Chu Đức Thành (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an) khuyến cáo, người mắc sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong ba ngày đầu. Từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm có thể giảm sốt, nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, bởi có thể xảy ra giảm tiểu cầu nặng gây các triệu chứng xuất huyết hoặc hội chứng thoát huyết tương. Nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue, gây tổn thương suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng.

Vì vậy, khi bị sốt cao, người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng, buồn nôn, nôn liên tục, chảy máu lợi và chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi bồn chồn là biểu hiện của sốt xuất huyết chuyển nặng, cần phải đưa người bệnh tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, khi mắc sốt xuất huyết không tự ý đến các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, thuê người đến truyền dịch tại nhà. Trên thực tế đã có trường hợp tử vong khi mắc sốt xuất huyết tự ý truyền dịch tại nhà.

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, người mắc sốt xuất huyết, người sốt cao thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ tốt, nhưng đó là sai lầm. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt; nhất là không được chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch

Bộ Y tế cho biết, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Đau mắt đỏ thường xảy ra ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Vì vậy mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Sở Y tế, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và hạn chế số mắc trong thời gian tới, chiều 21/9, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND quan tâm chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế.

Đồng thời khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.

Các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh về Cục Y tế dự phòng theo quy định để theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh kịp thời.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Gia Lai: 11 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao nhất ở Tây Nguyên

Ngày 22/9, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai thông tin về một trường hợp tử vong do bệnh dại là cháu Ksor K (8 tuổi, dân tộc Jrai, ngụ buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa).

Người nhà của cháu K cho biết do không biết cháu bị chó cắn lúc nào nên không tiêm vaccine phòng bệnh dại. Khi cháu K có triệu chứng sốt, mệt mỏi, gia đình tự mua thuốc cho uống nhưng không giảm.

Đến ngày 12/9, cháu K được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Pa với triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi. Tại đây, cháu được chẩn đoán bị viêm phế quản cấp và được dùng kháng sinh, kháng viêm.

Đến tối cùng ngày, cháu có dấu hiệu nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Yên và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Ngày 15/9, cháu K được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng hôn mê. Cháu được xét nghiệm, kết quả dương tính với virus dại và đến ngày 20/9, cháu K tử vong.

Trước đó, ngày 2/9, tại thành phố Pleiku cũng có trường hợp tử vong do bị mèo cắn nhưng không tiêm vaccine phòng dại. Nạn nhân là anh Đ (34 tuổi, ngụ xã Ia Kênh).

Như vậy đến ngày 22/9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 11 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao nhất khu vực Tây Nguyên.

Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã tuyên truyền người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, chủ động tiêm vaccine khi bị chó mèo cắn; khuyến cáo các chủ nuôi chó, mèo cần xích, đeo rọ mõm khi thả rông. Đặc biệt người dân cần đến các cơ sở y tế tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn./.

Khởi tố đối tượng bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi ở Hà Nội

Tin 24h ngày 22/9/2023
Nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang. (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Ngày 22/9, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang (sinh năm 1996, trú tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội “Giết người," theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, như tin đã đưa, ngày 19/9, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được đề nghị của Công an thành phố Hà Nội về việc phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng Giáp Thị Huyền Trang là nghi can bắt cóc cháu N.H.T. (sinh năm 2021, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), đòi tiền chuộc.

Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các Phòng Nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, tổ chức áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, truy bắt đối tượng và giải cứu cháu bé.

Qua truy xét, đến khoảng 11 giờ 30 phút ngày 20/9, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện thi thể cháu T. tại ao thả cá, thuộc trang trại của gia đình ông Nguyễn Xuân Tiến (sinh năm 1961, ở cánh đồng xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Ngay sau đó, Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tổ chức điều tra xác minh làm rõ.

Hiện Công an tỉnh Hưng Yên vẫn đang tích cực phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang để làm rõ vụ việc./.

Nghiên cứu mới tiết lộ số lượng tế bào trong cơ thể người

Theo trang livescience.com ngày 21/9, tế bào là đơn vị hình thành nên tất cả mô và cơ quan của cơ thể và các nhà khoa học đã ước tính được cơ thể con người chứa bao nhiêu tế bào riêng lẻ.

Theo phân tích mới được công bố trên tạp chí PNAS, một người đàn ông trưởng thành trung bình có khoảng 36.000 tỷ tế bào, còn phụ nữ trưởng thành có 28.000 tỷ tế bào, trẻ em 10 tuổi có khoảng 17.000 tỷ tế bào.

Để đưa ra những ước tính này, các tác giả nghiên cứu đã xem xét kích thước và số lượng của 400 loại tế bào ở 60 mô trong cơ thể, trong đó có tế bào cơ, thần kinh và miễn dịch.

Theo các tác giả, mặc dù trước đây các nhà khoa học đã ước tính được số lượng tế bào tương tự (từ 30.000 đến 37.000 tỷ ở nam giới trưởng thành), nhưng cho đến nay, mối quan hệ giữa kích thước và số lượng tế bào vẫn chưa được nghiên cứu trên toàn bộ cơ thể.

Ông Ian Hatton, tác giả chính của nghiên cứu và làm việc tại Viện Toán học Khoa học Max Planck ở Leipzig (Đức), nói với Live Science: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy mối quan hệ đối nghịch khá đều đặn giữa kích thước và số lượng tế bào trên toàn bộ cơ thể con người”.

Nói cách khác, có sự đánh đổi giữa kích thước và số lượng tế bào. Do đó, tế bào càng lớn thì số lượng tổng thể càng thấp so với các tế bào nhỏ hơn. Điều đó có nghĩa là, nếu các tế bào được xếp nhóm theo kích thước thì mỗi nhóm sẽ đóng góp một lượng như nhau vào khối lượng tổng thể của cơ thể.

Ông Hatton cho biết: “Mô hình này có 7 cấp độ về kích thước tế bào, từ các tế bào hồng cầu nhỏ bé đến các tế bào cơ lớn nhất”.

Các tác giả cũng thừa nhận một số hạn chế của nghiên cứu. Ví dụ, họ chỉ nghiên cứu cơ thể của người lớn và trẻ em có kích thước trung bình dựa trên số liệu tham khảo từ Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Phóng xạ.

Cụ thể, họ nghiên cứu nam giới trưởng thành nặng 70 kg, nữ giới trưởng thành nặng 60 kg và trẻ em nặng 32 kg. Do đó, nghiên cứu không bao quát được khác biệt lớn về kích thước và cân nặng của người.

Ông Hatton nói: “Tất nhiên có sự khác biệt lớn giữa các mô hình giải phẫu khác nhau. Nhưng ngoài sự khác nhau về lượng chất béo và cơ trong tế bào mỡ và tế bào cơ, thì phần lớn sai số có lẽ không đáng kể”.

Các tác giả nghiên cứu giải thích rằng có thể có rất nhiều điều không chắc chắn trong số liệu. Trong nhiều trường hợp, họ phải suy luận kích thước tế bào dựa trên kính hiển vi và các phép đo gián tiếp khác, thay vì đo trực tiếp khối lượng của các loại tế bào khác nhau. Họ cũng ước tính tổng số tế bào ở phụ nữ trưởng thành và trẻ em bằng cách sử dụng các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào nam giới trưởng thành.

Tác giả nghiên cứu Eric Galbraith, Giáo sư và trưởng nhóm tại Đại học McGill ở Canada, nói: “Thật không may là vẫn còn nhiều thông tin tham khảo liên quan nam giới hơn là nữ giới hoặc trẻ em”.

Do đó, ông Hatton cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để giải quyết những thiếu sót này, nhưng hiện tại, nghiên cứu đã nêu bật một số khác biệt về số lượng tế bào mà các nghiên cứu trước đây đã đưa ra. Khác biệt này có thể có tác động đến sức khỏe.

Ông nói: “Có lẽ điều quan trọng nhất là ước tính của chúng tôi về tổng số tế bào lympho ở người, vốn rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch của chúng ta. Chúng tôi ước tính có 2.000 tỷ tế bào lympho trong cơ thể con người, cao gấp bốn lần so với ước tính trước đây và có thể chứng minh tầm quan trọng của tế bào lympho đối với sức khỏe và bệnh tật, chẳng hạn như HIV hoặc bệnh bạch cầu”.

HIV và AIDS làm suy yếu hệ thống miễn dịch bằng cách phá hủy một số tế bào lympho, trong khi bệnh bạch cầu là một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch.

Phát hiện dấu vết sự sống trên Mặt Trăng Europa của Sao Mộc

Tin 24h ngày 22/9/2023
Hình ảnh Sao Mộc (phải) và vệ tinh Europa được nhìn qua kính viễn vọng James Webb của NASA.

Ngày 21/9, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết thông qua sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng James Webb của cơ quan này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện CO2 từ đại dương ngầm dưới mặt băng Mặt Trăng Europa của Sao Mộc. Phát hiện này đem lại hy vọng rằng nguồn nước ngầm này có thể nuôi dưỡng sự sống.

Dữ liệu từ máy quang phổ cận hồng ngoại của kính viễn vọng James Webb đã giúp các nhà khoa học lập bản đồ phân bố CO2 trên bề mặt Europa. Kết quả cho thấy điểm tích tụ nhiều CO2 là Tara Regio trên Mặt Trăng của Sao Mộc này. Đó là khu vực rộng 1.800 km2, có địa hình phức tạp với các vết nứt và rặng băng lởm chởm. Hiện chưa rõ chính xác nguyên nhân tạo ra địa hình phức tạp này, song có giả thuyết cho rằng nước ấm từ đại dương dâng lên làm mặt băng tan chảy, sau đó đóng băng lại theo thời gian và tạo thành vách đá lởm chởm.

Kết quả phân tích chỉ ra rằng carbon nhiều khả năng có nguồn gốc từ đại dương ngầm, chứ không phải từ thiên thạch hay các nguồn bên ngoài đến. Theo NASA, nước đã đọng lại theo sự thay đổi của địa chất trong thời gian gần đây. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science mới đây.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy đại dương trên Europa có tiềm năng để sự sống phát triển. Nhà thiên văn học Geronimo Villanueva của NASA cho rằng hiểu biết về tính chất hóa học của đại dương Europa sẽ giúp xác định liệu đây có thể là nơi duy trì sự sống hay không.

NASA có kế hoạch thực hiện sứ mệnh Europa Clipper vào tháng 10/2024 để tiếp tục nghiên cứu về các điều kiện sống trên “miền đất hứa” này. Trước đó, tàu Juice của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã bắt đầu thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của Sao Mộc vào tháng 4.

Phát hiện kho báu dưới đáy biển ngoài khơi Ai Cập

Chú thích ảnh

Theo đài Sputnik, nhóm thám hiểm - do nhà khảo cổ hải dương người Pháp Franck Goddio dẫn đầu - đã phát hiện nhiều cổ vật tại ngôi đền thờ thần Amun chìm dưới biển Địa Trung Hải. Ngôi đền này nằm ở ngoài khơi vịnh Abu Qir ở Thonis-Heracleion. Trước khi bị đại dương “nuốt chửng” trong một thảm họa thiên nhiên hàng trăm năm trước, ngôi đền này từng là cảng quan trọng của Ai Cập.

IEASM cho biết đoàn thám hiểm đã phát hiện nhiều “đồ vật quý giá” trong kho báu của ngôi đền - bao gồm các dụng cụ nghi lễ bằng bạc, đồ trang sức bằng vàng và hộp đựng thạch cao dễ vỡ để đựng nước hoa hoặc thuốc bôi.

“Những cổ vật này minh chứng sự giàu có của khu bảo tồn này và lòng sùng đạo của những cư dân của thành phố cảng trước đây. Thật ngạc nhiên khi những vật thể mỏng manh như vậy vẫn tồn tại nguyên vẹn, bất chấp mức độ tàn khốc của trận đại hồng thủy”, ông Goddio, Giám đốc và người sáng lập IEASM, chia sẻ.

Nhóm khảo cổ đã điều tra con kênh phía nam của thành phố cảng, nơi có một số khối đá khổng lồ của ngôi đền sập xuống trong trận đại hồng thủy.

Thành phố cảng này được IEASM phát hiện lần đầu vào năm 2000. Nhưng gần đây, tổ chức này mới có thể khám phá toàn bộ địa điểm nhờ công nghệ thăm dò mới. Công nghệ này đã giúp nhóm nghiên cứu nhìn thấy các vật thể và căn phòng được bao phủ bởi “các lớp đất sét dày tới vài mét”.

Cục Khảo cổ học dưới nước của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã hỗ trợ nỗ lực này.

Theo IEASM, tại ngôi đền này, các Pharaoh đã nhận được “danh hiệu quyền lực của họ với tư cách là những vị vua toàn năng từ vị thần tối cao của đền thờ Ai Cập cổ đại”.

Nhóm các nhà khảo cổ cho biết ngôi đền này được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và bị nhấn chìm xuống biển vào giữa thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Phát hiện quan trọng này thể hiện những lý tưởng thiêng liêng của người Ai Cập cổ đại.

Ngoài ra, ở phía đông ngôi đền, nhóm nhà khảo cổ cũng phát hiện một một khu vực thờ thần Aphrodite của người Hy Lạp. Tại đây, họ đã tìm thấy những chiếc bình bằng đồng, gốm sứ và nhiều đồ tạo tác khác

Việc khai quật vũ khí của người Hy Lạp trong khu vực này cũng cho thấy sự hiện diện của lính đánh thuê Hy Lạp kiểm soát việc tiếp cận vương quốc ở đồng bằng sông Nile. Sau khi được phép định cư, người Hy Lạp có thể đã mang truyền thống tôn giáo của họ đến khu vực này trong triều đại Saïte của Ai Cập từ năm 664 đến năm 525 trước Công nguyên./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 2/1/2025

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Tin 24h ngày 01/01/2025

10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Tin 24h ngày 30/12/2024

Bộ Nội vụ đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cổ phiếu Jeju Air "chạm đáy" sau thảm kịch hàng không

Giá cổ phiếu của Jeju Air, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Hàn Quốc, đã rơi xuống mức thấp kỷ lục sau vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng khiến 179 trong tổng số 181 hành khách thiệt mạng.

Những thảm kịch hàng không khó tin do máy bay va phải chim

Máy bay đâm phải động vật hoang dã không phải là chuyện hiếm, và hầu hết các vụ việc đều không gây tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thế giới đã xảy ra những thảm kịch hàng không chết chóc xuất phát từ những cú va chạm như vậy.

Tin bài khác

Điểm sự kiện từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024

Điểm sự kiện từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024

Từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi xin điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Tin 24h ngày 29/12/2024

Tin 24h ngày 29/12/2024

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An
Tin 24h ngày 27/12/2024

Tin 24h ngày 27/12/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hai đợt không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta từ đêm 26 đến 28/12, khiến thời tiết trở nên rét đậm, rét hại. Đợt lạnh này có khả năng kéo dài đến đầu năm 2025, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt của người dân.
Tin 24h ngày 26/12/2024

Tin 24h ngày 26/12/2024

Thời tiết ngày 26/12: Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi rét đậm, rét hại:
Tin 24h ngày 25/12/2024

Tin 24h ngày 25/12/2024

3 trường hợp phải thực hiện xác minh giấy phép lái xe từ 1/1/2025, nhiều người cần biết
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần ...
[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn ...
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...