Tin 24h ngày 16/9/2023
TP Hồ Chí Minh: Coxsackievirus A24 là tác nhân chính gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ
Chiều 15/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố tác nhân chính gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố là Coxsackievirus A24, đồng thời khuyến cáo tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 chiếm 86%, human Adenovirus 54 chiếm 11% và human Adenovirus 37 chiếm 3%. Đây là những tác nhân gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP Hồ Chí Minh.
Người bệnh đi khám mắt tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh. |
Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus bao gồm hAdV-1, hAdV-2, hAdV-3, hAdV-4, hAdV-7, hAdV-8, hAdV- hAdV-19, hAdV-22, hAdV-37 và hAdV-54 cũng như Coxsackie A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới.
Riêng năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017 - 2019, thuộc nhóm adenovirus (hAdV-3, hAdV-4, hAdV-8 và hAdV-37).
Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, viêm kết mạc xuất huyết (acute haemorrhagic conjunctivitis - AHC), là biểu hiện chủ yếu trong đợt dịch mắt đỏ hiện nay tại TP Hồ Chí Minh. Các báo cáo khoa học trên thế giới cũng chỉ rõ, tác nhân chính là nhóm enterovirus, trong đó bao gồm biến thể Coxsackie A24 và EV70.
Được biết, trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác.
Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011, biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm kết mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai.
Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân của đợt bùng phát bệnh viêm kết mạc mắt hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đã rõ, một lần nữa các chuyên gia Mắt khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.
Hà Nội: Cháy tại Trung tâm tiêm chủng chất lượng cao Quốc Oai
Khoảng 21 giờ 18 phút ngày 15/9, một vụ cháy đã xảy ra tại Trung tâm Tiêm chủng Chất lượng cao Quốc Oai, đám cháy nhanh chóng bùng phát khói và khí bao trùm toàn bộ ngôi nhà.
Hiện trường vụ cháy. |
Tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ Công an huyện và lực lượng chữa cháy tại chỗ của thị trấn Quốc Oai đã kịp thời phối hợp, dập tắt đám cháy tại Trung tâm Tiêm chủng Chất lượng cao Quốc Oai.
Khoảng 21 giờ 18 phút ngày 15/9, một vụ cháy đã xảy ra tại Trung tâm Tiêm chủng Chất lượng cao Quốc Oai, có địa chỉ tại đường Phủ Quốc, thị trấn Quốc Oai.
Đám cháy nhanh chóng bùng phát khói và khí bao trùm toàn bộ ngôi nhà.
Sau khi phát hiện, người dân sở tại và lực lượng chữa cháy cơ sở đã kịp thời sơ tán người, đồ vật ra khỏi đám cháy; huy động phương tiện dập lửa; báo cho lực lượng cứu hỏa.
Cùng lúc, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ Công an huyện Quốc Oai đã điều động 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy, cùng 14 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường, nhanh chóng tiếp cận làm nhiệm vụ. Hỏa hoạn đã được khống chế và dập tắt sau đó ít phút.
Do kịp thời phát hiện xử lý nên không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản không đáng kể.
Như vậy, tính từ ngày 12-16/9, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 vụ cháy.
Nghiêm trọng nhất là đêm 12, rạng sáng 13/9, đã xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại tòa nhà chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2, cao 9 tầng, 1 tum, là nơi cư trú của khoảng 150 người. Vụ cháy đã làm 56 người tử vong, 37 người bị thương.
Tiếp đó, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 13/9, trên phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm bất ngờ xảy ra một vụ cháy.
Vào thời điểm trên, hoạt động sinh hoạt trên phố Lý Nam Đế đang nhộn nhịp, nhờ kích hoạt Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, nên nhiều người dân đã huy động bình cứu hỏa lao vào dập lửa.
Nhận được tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng điều động phương tiện kỹ thuật, cán bộ, chiến sỹ có mặt tại hiện trường, dập tắt đám cháy ngay sau đó.
Thông tin ban đầu, đám cháy không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ./.
Bắt hai đối tượng giật dây chuyền sau 7 giờ gây án
Thông tin từ Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, lực lượng Công an huyện đã bắt giữ hai đối tượng là Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1995, ngụ ở xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) và Võ Trường Đạt (sinh năm 1995, ngụ ở xã Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) có hành vi cướp giật tài sản sau 7 giờ gây án.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 8 giờ ngày 15/9, chị Nguyễn Thị Châu (sinh năm 1982, ngụ ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, tạm trú ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đi bộ từ nhà trọ ông Mười Khì (ấp Bàu Bông, xã Phước An), đến tiệm may gia công nhà ông Nguyễn Văn Coi (ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) để làm việc. Trên đường chị Châu bị 2 đối tượng chưa rõ nhân thân đi trên xe mô tô không rõ biển kiểm soát, đi cùng chiều từ phía sau lên giật sợi dây chuyền 2 chỉ vàng 18k. Sau khi giật xong 2 đối tượng chạy về hướng xã Vĩnh Thanh. Chị Châu cho biết sợi dây chuyền vàng 18k mua vào năm 2016, trị giá 8,3 triệu đồng.
Chị Châu đã đến Công an xã Phước An trình báo sự việc. Công an huyện Nhơn Trạch ngay lập tức tổ chức lực lượng, thông qua các biện pháp nghiệp vụ truy bắt các đối tượng. Đến 15 giờ 10 phút cùng ngày, lực lượng Công an huyện Nhơn Trạch phát hiện 2 đối tượng ở khu vực ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch nên tiến hành bắt giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tang vật thu giữ là hai xe mô tô biển kiểm soát 60G1-405.71 và 83T1-115.63 cùng sợi dây chuyền vàng 18k của chị Châu. Vụ việc đang được Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Khoảng 200.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tử vong do các bệnh liên quan tới tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, hen phế quản và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Thông tin trên được Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Giám đốc Quỹ Vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam đưa ra tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm 2023 (29/9) với chủ đề: "Hiểu về Trái tim mình bằng cả Trái tim" do Hội Tim mạch học Việt Nam kết hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam tổ chức ngày 16/9.
Theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, "đại dịch" các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó có bệnh lý tim mạch. Trên thế giới, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu thế giới cướp đi 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022).
Thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia cho thấy, qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tại Việt Nam tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.
Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho hay nhiều người vẫn nghĩ bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hóa.
"Người trẻ cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội. Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc và tử vong tăng, cùng với đó là gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí gia tăng… nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa," Phó Giáo sư Hùng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia của Viện Tim mạch Quốc gia, các bệnh lý tim mạch chủ yếu có liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm yếu tố về gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… Bên cạnh đó còn là các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: lười vận động, thói quen có hại, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh; ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress) và có cả sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng-chữa bệnh.
Kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học cho thấy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động. Với những hành động tưởng chừng như rất đơn giản như tuyên truyền, hướng dẫn mọi người không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày… có thể giúp mỗi người tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.
Năm 2012, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tại Liên Hợp quốc quyết tâm giảm tỷ lệ tử vong toàn cầu do bệnh không lây nhiễm khoảng 25% vào năm 2025.
"Ngày tim mạch Thế giới" năm nay với Chủ đề "Hiểu về Trái tim mình bằng cả trái tim" nhằm truyền tải thông điệp, mỗi người hãy tự nhận thức và chăm sóc chính trái tim của mình là cách tốt nhất để giảm được các biến cố tim mạch.
Tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm 2023 tổ chức ở Thái Bình, Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam phối hợp với Quỹ vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Sở Y tế Thái Bình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động thực tế tại cộng đồng gồm: Chương trình khám cho 400 người dân về bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường; trao tặng phần quà cho 10 gia đình có công với cách mạng.
Đặc biệt, Chương trình đi bộ cổ động vì sức khỏe trái tim với sự tham gia của khoảng hơn 2000 người nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về các yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như khuyến khích người dân tăng cường sức khỏe tim mạch thông qua các hoạt động thể chất.
Các chuyên gia tim mạch cũng tham gia Tọa đàm "Lắng nghe trái tim bạn" để hướng dẫn người dân thực hành lối sống lành mạnh, kiểm soát, phát hiện nguy cơ mắc các bệnh tim mạch./.
Tìm thấy thi thể 2 học sinh vùng cao bị đuối nước
Hai học sinh bị đuối nước là em Mùa A Lông và em Cháng A Dơ, đều là học sinh lớp 6A3; gia đình hai em ở bản Pú Múa, xã Mường Mươn.
Thầy Trần Hồng Quân cho biết, trước đó, sáng 14/9, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Mường Mươn tổ chức cho học sinh học tập theo kế hoạch; 100% học sinh các lớp đều có mặt đầy đủ và ăn trưa tại trường.
Đến 14 giờ cùng ngày, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A3 tổ chức cho học sinh lao động thì phát hiện hai học sinh của lớp là em Mùa A Lông và Cháng A Dơ vắng mặt.
Đến bữa cơm tối ngày 14/9 vẫn chưa thấy hai học sinh về trường, giáo viên chủ nhiệm lớp đã chủ động gọi điện liên lạc với phụ huynh của hai học sinh nhưng không liên lạc được. Tiếp đó, giáo viên phụ trách quản lý học sinh ăn bán trú của nhà trường đã gọi điện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Mươn về việc học sinh vắng mặt.
Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 15/9, nhận thông tin có một thi thể trẻ em tại suối bản Hin, xã Na Sang (cách Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Mường Mươn khoảng 8km), giáo viên nhà trường đã khẩn trương đến điểm trên và xác nhận: Thi thể trẻ em được phát hiện tại suối bản Hin chính là em Cháng A Dơ, học sinh lớp 6A3.
Ngay sau đó, huyện Mường Chà đã tổ chức các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tiếp tục tìm kiếm học sinh còn lại. Đến 6 giờ 30 phút sáng 16/9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể em Mùa A Lông ở khu vực suối bản Hin, xã Na Sang.
Sau khi làm các thủ tục liên quan, lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể hai học sinh cho gia đình để lo tang lễ. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và thầy, cô giáo trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở Mường Mươn đến thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình hai em.
Nghiên cứu mới phát hiện mối liên hệ chưa từng có giữa Trái Đất với Mặt Trăng
Bề mặt của Mặt Trăng do tàu tác động Moon Impact Probe chụp lại sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Chandrayaan-1. Bức ảnh được công bố vào ngày 14/11/2008. Ảnh: ISRO/AFP |
Theo đài RT (Nga), nghiên cứu mới do Đại học Hawaii ở Manoa công bố, dựa trên dữ liệu phân tích từ sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ hồi tháng 10/2008.
Nhóm các nhà khoa học phân tích dữ liệu cảm biến từ xa từ sứ mệnh Mặt Trăng Chandrayaan-1 đã phát hiện ra hydro và các ion ôxy từ dải plasma của Trái Đất có thể kết hợp với nhau để tạo thành các phân tử nước trên bề mặt Mặt Trăng.
Ông Shuai Li, trợ lý nghiên cứu tại khoa Khoa học và Công nghệ Đại dương và Trái đất thuộc Đại học Hawaii, đã đưa ra phát hiện này, sau khi phân tích dữ liệu do công cụ Bản đồ Khoáng vật Mặt Trăng thu thập được trong sứ mệnh Chandrayaan-1 của Ấn Độ từ năm 2008 đến năm 2009.
Trong báo cáo, Đại học Hawaii lưu ý rằng ông Li quan tâm đến việc điều tra những thay đổi của sự phong hóa bề mặt khi Mặt Trăng đi qua đuôi từ quyển của Trái Đất, một khu vực che Mặt Trăng khỏi gió Mặt Trời, mà không phải các photon của Mặt Trời.
“Khu vực này giống như một phòng thí nghiệm tự nhiên để nghiên cứu quá trình hình thành nước trên bề mặt Mặt Trăng. Khi Mặt Trăng ở bên ngoài đuôi từ quyển, bề mặt Mặt Trăng sẽ bị gió Mặt Trời bắn phá. Còn khi thiên thể này ở bên trong đuôi từ quyển, hầu như không có proton của gió Mặt Trời và sự hình thành nước được dự đoán sẽ giảm xuống gần như bằng 0”, ông Li giải thích.
Ông cũng nhấn mạnh rằng phát hiện này, cùng với những khám phá trước đây về hiện tưởng gỉ sét trên các cực của Mặt Trăng, cho thấy mối liên hệ sâu sắc giữa Trái Đất và Mặt Trăng ở nhiều khía cạnh chưa được biết đến. Các nhà khoa học tin rằng công bố mới có thể làm sáng tỏ nguồn gốc của băng nước được phát hiện trước đó ở các vùng bị che khuất vĩnh viễn trên Mặt Trăng.
“Nhìn chung, nghiên cứu mới và những phát hiện trước đây của tôi về các cực Mặt Trăng bị gỉ sét cho thấy rằng Trái Đất mẹ có mối liên hệ chặt chẽ với Mặt Trăng của nó ở nhiều khía cạnh chưa được công nhận”, ông Li giải thích.
Chandrayaan-1 đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra các phân tử nước trên Mặt Trăng. Sứ mệnh này được khởi động hồi tháng 10/2008. Xác nhận nước trên Mặt Trăng cũng là mục tiêu khoa học cơ bản trong quá trình Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ chuẩn bị cho Chandrayaan-1.
Các cơ quan vũ trụ quốc tế đã cũng bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến việc xác minh sự tồn tại của nước trên Mặt Trăng. Nếu có lượng nước đáng kể, điều này có thể tác động lớn đến việc tìm ra các khu vực có thể cư trú trên Mặt Trăng trong tương lai, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc của thiên thể này.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đề xuất thành công và đảm bảo cơ hội triển khai 2 thiết bị phát hiện nước của cơ quan này trên tàu đổ bộ Chandrayaan-1.
Năm 2019, Ấn Độ tiếp tục thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng, mang tên Chandrayaan-2, nhằm mục đích hạ cánh mềm lên Mặt Trăng, song không thành công. Mới đây, Ấn Độ đã tạo nên dấu mốc lịch sử khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của nước này đã đáp xuống cực Nam Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới hạ cánh thành công một tàu đổ bộ xuống thiên thể tuyệt đẹp này.
Vụ phun trào núi lửa hiếm gặp ở Thái Bình Dương có thể khiến năm 2023 nóng kỷ lục
Núi lửa phun trào. Ảnh minh hoạ: Reuters |
Trong khi hầu hết các vụ phun trào núi lửa đều giải phóng đám mây bụi làm mát hành tinh, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai hồi tháng 1/2022 đã giải phóng lượng hơi nước tương đương 60.000 bể bơi Olympic vào tầng bình lưu.
Hơi nước là một loại khí nhà kính tự nhiên, có thể giữ nhiệt khi bốc lên không trung. Trong khi đó, những vụ phun trào lớn trên đất liền – chẳng hạn vụ phun trào Pinatubo ở Philippines năm 1991 – đã giải phóng các chùm khí lên cao, lan nhanh và hoạt động như một lá chắn tạm thời ngăn ánh sáng Mặt Trời, gây ra hiện tượng lạnh đột ngột.
Giáo sư Peter Thorne, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Maynooth ở Ireland, cho biết: “Hầu hết các vụ phun trào núi lửa đều có tác dụng làm mát. Song vụ núi lửa Tongan phun trào là một ngoại lệ. Đây là minh chứng quan trọng cho hiện tượng chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây”.
Tháng 6 đến tháng 8 năm nay chính là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, với biên độ rộng đến mức khó lý giải. Các đợt nắng nóng xảy ra trên khắp Trái Đất - từ Nhật Bản đến nước Mỹ.
Các nhà khoa học cho rằng lượng phát thải khí nhà kính của nhân loại là lý do chính khiến nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino làm nóng Thái Bình Dương, cùng với hoạt động đốt nhiên liệu, cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên.
Nhiều nhà khoa học cho rằng nghiên cứu về núi lửa cũng rất quan trọng để đánh giá các vụ phun trào ảnh hưởng đến xu hướng nóng lên toàn cầu ở mức độ nào.
Thỏa thuận Paris năm 2015 đã cam kết cố gắng duy trì nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu tồi tệ nhất - từ các trận lũ lụt đến cháy rừng. Hiện nay nhiệt độ đang tăng 1,2 C.
Những vụ phun trào hiếm gặp trong lịch sử
Bà Margot Clyne, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Colorado, Boulder (Mỹ), cho biết vụ phun trào ở quần đảo Polynesia đã giải phóng 150 triệu tấn hơi nước vào tầng bình lưu. Khoảng 10% trong số 1,4 tỷ tấn thường chuyển động xoáy ở khu vực đó.
“Chúng tôi có thể khá chắc chắn rằng những vụ phun trào núi lửa tương tự đã không xảy ra từ những năm 1880, sau vụ núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883”, bà nói.
Vụ phun trào này cũng giải phóng khoảng 500.000 tấn lưu huỳnh dioxide vào tầng bình lưu. Loại khí này có xu hướng làm mát hành tinh. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa nước và lưu huỳnh có thể làm phức tạp thêm tác động của núi lửa.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nature hồi tháng 1 cho biết vụ phun trào này cũng làm gia tăng nhẹ nguy cơ nhiệt độ toàn cầu vượt mức 1,5 độ C trong ít nhất 1 - 5 năm tới.
Ông Luis Millan, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết: “Đây là ngọn núi lửa đầu tiên trong hồ sơ có thể khiến bề mặt Trái Đất ấm hơn thay vì làm mát Trái Đất”.
Các nghiên cứu sơ bộ cũng chỉ ra chùm hơi nước này có thể tồn tại tới khoảng 8 năm ở tầng bình lưu - tầng khí quyển cách Trái Đất khoảng 10 đến 50 km.
Ông Holger Voemel, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ (NCAR), cho hay có thể vụ phun trào này đã gây tác động nào đó đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, trong 2.500 năm qua, các vụ phun trào núi lửa làm mát hành tinh chỉ xảy ra khoảng 2 lần trong thế kỷ. Gần đây nhất là vụ núi lửa Pinatubo phun trào. Vụ phun trào Pinatubo đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm khoảng 0,5 độ C trong hơn một năm.
Theo IPCC, trong 2.500 năm qua, đã có khoảng 8 vụ phun trào lớn. Trong đó, vụ phun trào núi lửa Tambora ở Indonesia vào năm 1815 đã dẫn đến một năm không có mùa hè – kéo theo những vụ mùa thất bát trải rộng từ Pháp đến Mỹ.
Tệ hơn nữa, vào khoảng năm 1257, vụ phun trào núi lửa Samalas ở Indonesia đã dẫn đến nạn đói kinh hoàng và có thể đã khởi đầu Kỷ băng hà nhỏ, thời kỳ mát mẻ bất thường kéo dài đến thế kỷ 19.
Quy mô của các vụ phun trào núi lửa xa xưa được đánh giá dựa trên lưu huỳnh tìm thấy trong băng ở Greenland và Nam Cực. Các vụ núi lửa này giải phóng nước - giống như núi lửa Tongan - vẫn còn là bí ẩn vì không thể phát hiện lưu huỳnh trong băng.
Trước khi phun trào, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai nằm dưới mực nước biển khoảng 150 mét. Hiện chưa rõ có bao nhiêu ngọn núi lửa dưới đại dương này này đủ để giải phóng vật chất vào khí quyển nếu phun trào.
Rủi ro thảm họa
IPCC cho biết trong thế kỷ này, sẽ có ít nhất một vụ phun trào tương tự vụ Pinatubo. Tuy nhiên, điều đó có tác động không đáng kể đến xu hướng chung của hiện tượng nóng lên toàn cầu, do mức phát thải khí nhà kính của con người kể từ Cách mạng Công nghiệp quá lớn.
Ông Ingo Bethke, nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu khí hậu Bjerknes thuộc Đại học Bergen (Na Uy), cho biết: “Hoạt động của núi lửa diễn ra bất thường, khó lường và khó kiểm soát”.
Các nhà khoa học Bethke và Thorne cũng kêu gọi IPCC nên hành động quyết liệt hơn nữa để xem xét rủi ro của loạt vụ phun trào núi lửa.
“Chúng ta có thể đối phó với 1 vụ phun trào giống như Pinatubo, nhưng một vài vụ phun trào tương tự sẽ là thử thách đầy áp lực lớn đối với các quốc gia trước tình trạng biến đổi khí hậu”, giáo sư Thorne nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh không thể dự đoán, một số nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu có thể khiến các vụ phun trào xảy ra thường xuyên hơn ở một số khu vực lạnh giá, nơi các con sông băng dày đã che phủ một số ngọn núi lửa. Hiện tượng tan băng cũng có thể gây ra các vụ phun trào mạnh mẽ.
Chẳng hạn ở Iceland, sự kết thúc của Kỷ băng hà vào khoảng 12.000 năm trước trùng với thời điểm các ngọn núi lửa phun trào với mức độ lớn hơn khoảng 100 lần so với thời gian gần đây.
Và những trận mưa như trút nước liên quan đến biến đổi khí hậu có thể làm xói mòn các thành núi lửa. Tại Hawaii năm 2018, mưa lớn bất thường đã làm xói mòn sườn núi lửa Kilauea.
Ý tưởng làm mát Trái Đất
Trong bối cảnh đó, một số nhà khoa học đã đề xuất ý tưởng làm dịu ánh nắng Mặt Trời giúp làm mát Trái Đất.
Ví dụ, con người có thể tạo ra đám mây bụi giống như trọng vụ phun trào núi lửa Pinatubo, bằng cách điều một đội máy bay đặc biệt phun lưu huỳnh vào tầng bình lưu. Đây là giải pháp “câu giờ” trong khi các chính phủ tìm kiếm giải pháp dài hạn.
Năm ngoái, Công ty khởi nghiệp Make Sunsets của Mỹ đã bắt đầu phóng những quả bóng bay mang lưu huỳnh dioxide vào tầng bình lưu. Công ty này bán 10 USD/mỗi gram lưu huỳnh. Theo các nhà khoa học, giải pháp này sẽ giúp bù đắp tác động làm Trái Đất nóng lên của 1 tấn CO2 trong một năm. Tuy nhiên, chi phí cho phải pháp này rất tốn kém vì CO2 có thể tồn tại trong khí quyển hàng trăm năm.
Nhiều nhà khoa học phản đối “công nghệ địa kỹ thuật” này vì cho rằng điều đó có thể phá vỡ các hình thái thời tiết và tạo cớ cho một số quốc gia tránh cắt giảm lượng khí thải.
Nhà khoa học Voemel nói: “Nếu cho tôi một hành tinh Trái Đất thứ 2, thì đây thực sự là một ý tưởng hay. Nhưng đừng làm điều đó trên hành tinh Trái Đất của tôi”.
Nợ toàn cầu đang quay trở lại xu hướng tăng
Theo bản cập nhật mới nhất của Cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu, gánh nặng nợ toàn cầu đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp, mặc dù vẫn ở trên mức cao trước đại dịch. Tổng nợ ở mức 238% tổng GDP toàn cầu vào năm ngoái, cao hơn 9 điểm phần trăm so với năm 2019.
Bất chấp sự phục hồi tăng trưởng kinh tế từ năm 2020 và lạm phát cao hơn nhiều so với dự kiến, nợ công vẫn ở mức cao. Thâm hụt tài khóa khiến mức nợ công tăng cao, do nhiều chính phủ chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng vọt ngay cả khi họ chấm dứt hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch COVID-19.
Kết quả là nợ công chỉ giảm 8 điểm phần trăm GDP toàn cầu trong hai năm qua, chỉ bù đắp khoảng một nửa mức tăng liên quan đến đại dịch. Trong khi đó, nợ tư nhân, bao gồm nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp phi tài chính' giảm với tốc độ nhanh hơn, tương ứng với 12 điểm phần trăm GDP toàn cầu.
Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã tăng trong nhiều thập kỷ. Nợ công toàn cầu đã tăng gấp ba lần kể từ giữa những năm 1970, đạt 92% GDP (hoặc hơn 91 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. Nợ tư nhân cũng tăng gấp ba lần lên 146% GDP (hoặc gần 144 nghìn tỷ USD), nhưng trong khoảng thời gian dài hơn từ năm 1960 đến năm 2022.
Nợ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua, mặc dù từ mức ban đầu thấp hơn. Ngay cả khi mức nợ của họ, đặc biệt là nợ tư nhân, vẫn ở mức trung bình tương đối thấp so với các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, tốc độ gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra những thách thức. Hơn một nửa số quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đang có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần cao và khoảng 1/5 các thị trường mới nổi có giao dịch trái phiếu chính phủ ở mức khó khăn.
Theo báo cáo, điều quan trọng là giảm gánh nặng nợ sẽ tạo ra không gian tài chính và cho phép đầu tư mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Những cải cách đối với thị trường lao động và sản phẩm nhằm tăng sản lượng tiềm năng ở cấp quốc gia sẽ hỗ trợ mục tiêu đó. Hợp tác quốc tế về thuế, bao gồm cả thuế carbon, có thể làm giảm bớt áp lực lên tài chính công.
EU phạt TikTok 370 triệu USD liên quan xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em
Ngày 15/9, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu (DPC) của Ireland đã phạt TikTok 345 triệu euro (370 triệu USD) vì vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. |
DPC Ireland là cơ quan giám sát chính của EU có thẩm quyền khởi tố hình sự những công ty công nghệ vi phạm Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) của liên minh.
Trong một tuyên bố, DPC Ireland cho biết nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok của công ty ByteDance (Trung Quốc) đã vi phạm một số quy định về quyền riêng tư của EU trong thời gian từ ngày 31/7/2020 đến ngày 31/12/2020. Đây là lần đầu tiên TikTok dính án phạt của DPC Ireland.
Theo cơ quan trên, vào năm 2020, các tài khoản TikTok của những thành viên dưới 16 tuổi đã được cài đặt chế độ công khai theo mặc định, tức là bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy các bài đăng của những tài khoản này. Ngoài ra, TikTok không thực hiện việc xác minh đối với những tài khoản cài đặt tính năng "Family Pairing", tính năng cho phép phụ huynh hoặc người giám hộ liên kết tài khoản của họ với tài khoản của trẻ em để quản lý, giám sát.
Một người phát ngôn của TikTok tuyên bố nền tảng chia sẻ video ngắn này không đồng ý với án phạt của DPC Ireland, cho rằng các cáo buộc không còn phù hợp do công ty đã đưa ra các biện pháp khắc phục trước khi cuộc điều tra của DPC Ireland bắt đầu vào tháng 9/2021.
TikTok đã bổ sung các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tính năng "Family Pairing" vào tháng 11/2020 và thay đổi cài đặt mặc định từ chế độ công khai sang chế độ riêng tư đối với tất cả các tài khoản của người dùng dưới 16 tuổi vào tháng 1/2021.
GDPR được EU ban hành năm 2018 nhằm bảo vệ thông tin riêng tư của người dùng trước hành vi sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép của các công ty công nghệ hoạt động tại liên minh. GDPR áp dụng cho các tổ chức trong EU, cũng như các công ty đặt bên ngoài EU. Các công ty vi phạm GDPR có thể đối mặt với mức phạt lên tới 4% doanh thu toàn cầu.
Trước đó, một số "gã khổng lồ" công nghệ khác cũng đã dính án phạt của DPC Ireland do vi phạm GDPR, trong đó có Meta - công ty chủ quản mạng xã hội Facebook với các mức phạt lên đến 2,5 tỷ euro. Tính đến cuối năm ngoái, cơ quan này đã tiến hành 22 cuộc điều tra đối với các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Ireland.