Tin 24h 24/6/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hà Nội, lên đường tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới và làm việc tại Trung Quốc. |
Sáng 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.
Đoàn đại biểu chính thức tham gia chuyến công tác cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Văn Tuyến; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
Ngoài ra, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương cùng tham gia chuyến công tác.
Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25-27/6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp; thể hiện WEF và Trung Quốc coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, các ưu tiên, định hướng phát triển của Việt Nam.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác có các hoạt động song phương với Trung Quốc nhằm duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và 2 Bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư hai Đảng tới hai nước vừa qua; thúc đẩy hợp tác thực chất có tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như kết nối đường sắt qua biên giới, hợp tác kinh tế biên giới, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch của Việt Nam, thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ 1/7: Tăng lương hưu và trợ cấp BHXH cao nhất từ trước đến nay
Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng 15%. Khi đề xuất này được thông qua sẽ là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý.
Mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, mức tăng lương hưu 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động.
Theo Điều 57 Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành quy định: “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm Xã hội”. Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng đạt mức trên 6% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4%. Mức điều chỉnh tăng lương hưu 15% lần này cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần). Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đánh giá mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Tỷ lệ tăng này đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.
3,3 triệu người sẽ được tăng lương hưu tăng
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu được tăng 15% lần này, bao gồm tất cả những người đang hưởng lương hưu qua các thời kỳ, không phân biệt người làm trong khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện... Với mức điều chỉnh như vậy, Quỹ bảo hiểm xã hội tuy còn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo cân đối trong dài hạn.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đánh giá mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với lộ trình điều chỉnh tiền lương giữa các khu vực, đảm bảo hài hòa, công bằng giữa người hưởng lương khu vực Nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công với Cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, người hưởng lương hưu với người lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Trong điều kiện doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dự kiến mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 01/07/2024.
Với mức điều chỉnh lương hưu lần này, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho rằng “trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu đồng thời Chính phủ cũng dự kiến điều chỉnh tăng mức trợ cấp ưu đãi người có công với Cách mạng là 35,72%”.
Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, người thụ hưởng hiện rất vui mừng, phấn khởi. Những năm qua, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương, mỗi kì điều chỉnh, mức tăng các các nhóm đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều.
Là cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này chủ động, sẵn sàng ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp, lên các phương án cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin… nhằm đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng một cách kịp thời, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm các tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Những trường hợp bị cấm, phong tỏa tài khoản khi thanh toán không dùng tiền mặt
Nghị định 52 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 01/7 với 4 điểm mới: Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt; Bổ sung trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; Quy định về tiền điện tử; Ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng
Nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024
Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt từ 01/7/2024 so với Nghị định Nghị định 52/2024/NĐ-CP và Nghị định 80/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Chủ tài khoản thanh toán có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng cung cấp thông tin hoặc cam kết không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;…
Trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt
Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản; (Trường hợp mới bổ sung)
Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung. (Trường hợp mới bổ sung)
Ngoài ra, tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP có thêm trường hợp: Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Lần đầu tiên, Việt Nam có quy định về tiền điện tử
Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử (theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-NHNN) ghi trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trước ngày 01/7/2024 thì dịch vụ này được tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên.
Căn cứ pháp lý: Khoản 12 Điều 3, khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 36 Nghị định 52/2024/NĐ-CP
Ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng
Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 52/2024/NĐ-CP thì tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Sạt lở đất dự án cao tốc Bắc - Nam khiến 2 người thương vong
Lãnh đạo xã Xuân Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh cho biết: 2 công nhân thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn xã bị đất đá sạt lở vùi lấp, 1 người đã tử vong.
Trước đó, vào khoảng 18 giờ ngày 23/6, một vụ sạt lở đất đá ta luy dương thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Xuân Lộc vùi lấp hai công nhân Nguyễn Thị Ân (nữ, sinh năm 1988) và Trần Thị Phương (nữ, chưa rõ độ tuổi) đều trú xã Quang Lộc huyện Can Lộc khi họ đang trải lớp bạt để ngày mai thi công nền đường.
Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng cùng đơn vị thi công đã kịp thời đến hiện trường dùng phương tiện, đào bới đưa được hai nạn nhân thoát ra ngoài. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Ân tử vong ngay sau đó do đa chấn thương, còn nạn nhân Trần Thị Phương bị thương nặng, nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc. Hiện, nạn nhân này đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Chính quyền địa phương đã bàn giao thi thể chị Nguyễn Thị Ân về cho gia đình làm lễ an táng tại quê nhà. Trước đó, trên địa bàn xã có mưa to nên đất, ta luy dương ngấm nước và xảy ra sạt lở. Cơ quan Công an và các đơn vị liên quan đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Nam Định: Con gái phát hiện bố mẹ tử vong bất thường khi về thăm nhà
Tối 23/6, lãnh đạo xã Nghĩa Phú (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết, hai vợ chồng trú trên địa bàn được phát hiện tử vong bất thường trong nhà. Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h30 cùng ngày, con gái ông T. tới thăm bố mẹ nhưng cửa đóng kín nên trèo cổng vào thì phát hiện bố mẹ đã chết. Bố nằm dưới đất, mẹ nằm trên giường. Khoảng 1, 2 ngày nay người dân xung quanh không thấy vợ chồng ông T. và bà V. ra ngoài, nhà đóng cửa. Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Hà Nội: Đứt cáp vận thang, 10 người thương vong
Chiều 24/6, Đại tá Phạm Danh Mạnh, Trưởng Công an huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra địa bàn xã Đông Yên (huyện Quốc Oai).
Ông Đỗ Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Đông Yên thông tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 19h10 ngày 18/6 tại địa bàn xã Đông Yên (huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Thời điểm trên, anh Đỗ Danh Th. (SN 1975; trú tại xã Việt Yên, huyện Quốc Oai) là công nhân đang ở dưới lán công trường xây dựng Trường mầm non Đông Yên B thì thấy mất điện.
Khi anh Th. đi lên phía sau công trường (khu vực để thang tời vật liệu) để kiểm tra thì phát hiện có 10 người đang bị thương nằm ở dưới đất. Ngay lập tức, anh Th. gọi một số người khác trong công trường gồm Vương Văn Ng (SN 1991) và Đỗ Thế D. (SN 1984) đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 Sơn Tây.
Đến khoảng hơn 2h cùng ngày, do thương tích quá nặng nên 3 nạn nhân bị tử vong gồm: Nguyễn Đình Th. (SN 1976; trú tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai), Lò Văn S. (SN 2001; trú tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, Sơn La), Nguyễn Văn Y. (SN 1988; trú tại huyện Bắc Mê, Hà Giang).
7 nạn nhân còn lại bị thương hiện đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Quân 105 Sơn Tây.
Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Quốc Oai đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các đơn vị chức năng Công an TP Hà Nội, Công an xã Đông Yên xác minh, điều tra và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Thương tâm vụ hỏa hoạn khiến 3 cháu bé tử vong ở Đà Lạt
Cơ quan chức năng Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã có báo cáo ban đầu liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà số 92 Nguyên Phi Ỷ Lan, phường 7 khiến 3 cháu bé tử vong vào khoảng 10 giờ ngày 24/6.
Theo đó, bà N.T.T. (56 tuổi, quê Nghĩa Đàn, Nghệ An) là người làm vườn thuê cho gia đình chủ nhà số 92 Nguyên Phi Ỷ Lan và ở nhà trọ ngay phía sau.
Tối 23/6, chị Đ.T.T. (29 tuổi, con gái bà T.) đưa 3 con ruột là V.A.K. (6 tuổi), V.N.B.A. (4 tuổi) và V.M.A. (gần 1 tuổi) đến Đà Lạt thăm và ở trong nhà trọ cùng bà ngoại.
Sáng 24/6, bà N.T.T. đi làm vườn thuê, chị T. ở lại nhà trọ nấu ăn sáng cho 3 con. Sau đó, chị T. khóa cửa phòng để 3 con bên trong để đi mua vật dụng, nhưng chị Đ.T.T. quên tắt bếp gas đang nấu thức ăn sáng.
Gần 9 giờ cùng ngày, một người dân ở cạnh đó nghe tiếng trẻ con khóc ở phòng bà N.T.T. liền chạy đến thì đã thấy lửa lớn bốc ra từ căn phòng. Người này đập cửa ứng cứu, hô hoán người dân xung quanh đến giúp nhưng không dập được hỏa hoạn.
Người dân xung quanh dùng vòi nước và bình chữa cháy mi ni dập lửa nhưng không kịp cứu 3 cháu bé.
Ngay khi nhận được tin, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng đã điều 4 xe chuyên dùng cùng gần 40 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa và khống chế lửa lây lan ra các nhà xung quanh.
Tuy nhiên, 3 cháu bé trong phòng đã tử vong. Thi thể sau đó được đưa về bệnh viện khám nghiệm.
Nhận được thông tin, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học và ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo Thành phố Đà Lạt đã đến hiện trường chỉ đạo việc khắc phục vụ cháy và hỗ trợ gia đình gặp nạn.
Hiện, chính quyền địa phương hỗ trợ 18 triệu đồng/trường hợp tử vong để gia đình lo hậu sự cho các bé. Người dân xung quanh cũng đặt thùng quyên góp.
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, căn nhà số 92 Nguyên Phi Ỷ Lan có trang bị các bình phòng cháy chữa cháy.
Công an Thành phố Đà Lạt và Công an tỉnh Lâm Đồng đang khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Bắt giữ đối tượng cầm đầu đường dây thao túng chứng khoán tại Hà Nội
Đối tượng Nguyễn Khánh Toàn |
Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) vừa triệt phá thành công một đường dây thao túng thị trường chứng khoán, bắt giữ đối tượng cầm đầu là Nguyễn Khánh Toàn (SN 1979, trú tại 1 khu đô thị tại quận Long Biên) cùng 2 đồng phạm.
Theo điều tra, Nguyễn Khánh Toàn tìm mua lại các doanh nghiệp có niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng hoạt động yếu kém, cổ phiếu có giá trị thấp. Sau đó, Toàn cùng đồng bọn cố tình làm giả báo cáo tài chính cùng hoạt động của doanh nghiệp. Sau khi tạo một vỏ bọc đẹp, các đối tượng tung tin này đến nhà đầu tư.
Toàn và đồng phạm sử dụng các tài khoản chứng khoán nội nhóm để giao dịch chéo, tạo "cung cầu ảo". Nhằm mục đích nâng giá cổ phiếu, sau đó bán ra khi giá cao để thu lợi bất chính.
Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Nguyễn Khánh Toàn cùng đồng phạm đã sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đứng tên của nhiều người khác nhau để liên tục mua, bán cổ phiếu, tạo cung cầu ảo với mã chứng khoán KDM (Công ty CP Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới).
Ngoài ra, nhóm này còn liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu KDM với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường tạo ra mức giá đóng cửa mới cho cổ phiếu KDM, thao túng giá của cổ phiếu KDM trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12/2021. Với hành vi thao túng chứng khoán, Nguyễn Khánh Toàn và đồng bọn đến nay đã thu lời bất chính hơn 9,8 tỷ đồng.