Sáng 17/6, bắt đầu đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, xem xét nhiều nội dung quan trọng

Tin 24h 17/6/2024
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cũng trong phiên họp ngày 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Đề nghị thu thuế giá trị gia tăng với hàng hoá giá trị nhỏ giao dịch qua Shopee, Lazada, Tiki, TikTok...

Chiều 17/6, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống gian lận trong hoàn thuế thông qua khuyến khích phát triển các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung. Như, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 3 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế...

Qua thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về bổ sung quy định không thu thuế GTGT đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu, dự thảo luật bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Mặc dù không được quy định trong luật, song, trên thực tế, việc miễn thuế GTGT gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg).

"Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu", Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh dẫn chứng và đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Về sản phẩm cung cấp trên các nền tảng số, dự thảo luật quy định "sản phẩm cung cấp trên nền tảng số theo quy định của Chính phủ" không thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0%. Tuy nhiên, với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, lượng hàng hoá được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài trên cơ sở nền tảng số sẽ tăng trưởng theo thời gian, trở thành xu hướng bán hàng phổ biến, cần được khuyến khích và áp dụng thuế suất 0%. UBTCNS đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh quy định về điều kiện khấu trừ thuế đầu vào đối với các trường hợp này một cách phù hợp.

Vụ cháy tại Định Công Hạ, Hà Nội: Chỉ đạo điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy nhà dân tại số 207, Định Công Hạ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), xảy ra tối 16/6.

Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị có liên quan, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn theo quy định. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm hỏi, động viên đối với gia đình các nạn nhân là học sinh đang theo học tại các trường của thành phố đảm bảo kịp thời, theo quy định.

Công an thành phố, Sở Y tế, UBND quận Hoàng Mai theo chức năng nhiệm vụ được giao, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra vụ cháy; báo cáo Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.

UBND thành phố Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương đặc biệt là Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 25/CT-TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố, Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 24/5/2024 của Chủ tịch UBND thành phố. Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện.

Như đã đưa tin, vào hồi 18 giờ 22 phút, ngày 16/6, xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại địa chỉ số nhà 207, phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngay khi nhận được thông tin báo cháy, Công an thành phố Hà Nội đã điều động gần 100 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Cảnh sát 113 Công an quận Hoàng Mai, Công an phường Định Công cùng 12 xe chữa cháy, phương tiện chuyên dụng đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố; lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Qua tìm kiếm sơ bộ, các lực lượng đã phát hiện 4 thi thể.

Giám đốc Công an thành phố đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Hoàng Mai phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xác định nguyên nhân 3 người trong cùng gia đình ở An Giang tử vong

Sáng 17/6, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Phú (An Giang) cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ việc 3 người trong một gia đình tử vong đã được xác định.

Trước đó, khoảng 11h20 ngày 16/6/2024, chị Lê Thị Tuyết Loan (24 tuổi, ngụ ấp Long Phước, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đi ra sau nhà anh Ngô Văn Hùng (51 tuổi, là anh chồng của Loan) thì phát hiện Ngô Văn Vũ Linh (7 tuổi, con của anh Hùng) nằm bất động.

Thấy vậy, chị Loan gọi to nhưng cháu Linh không trả lời bèn chạy lên nhà thì phát hiện anh Hùng và chị Lê Thị Cúc (45 tuổi, vợ anh Hùng) đã tử vong.

Quá hoảng sợ trước sự việc xảy ra nên chị Loan tri hô và trình báo Công an xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang).

Sau khi được Công an huyện Châu Phú báo cáo vụ việc, Ban giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra và xác minh vụ việc.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi, nguyên nhân ban đầu xác định anh Hùng, chị Cúc và cháu Linh tử vong do bị điện giật.

Cảnh báo ma túy trộn trong thực phẩm tiếp cận giới trẻ

Công an TP.HCM vừa phát đi thông tin cảnh báo xuất hiện các loại ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên.

Thủ đoạn của các đối tượng là trộn ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử và thiết kế với bao bì bắt mắt, hương vị thu hút để dễ dàng tiếp cận giới trẻ. Các loại ma túy này sẽ gây ra ảo giác, có thể xuất hiện hiện tượng co giật, hôn mê... và người trẻ nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ bị ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường trao đổi, mua bán qua các nhóm kín, mạng xã hội nước ngoài và sử dụng các đơn vị trung gian để vận chuyển. Ngoài ra, thị trường xuất hiện loại ma túy mới với tên gọi “socola bay”, được rao bán công khai trong các hội nhóm như: Hội đồng bay lắc (hơn 6.000 thành viên); Socola Monkey Chill - Chuyên sỉ lẻ toàn quốc (hơn 6.000 thành viên); Socola bay Luxury (hơn 1.000 thành viên). Các chất trong “socola bay” được xác định thuộc nhóm cần sa tổng hợp.

Qua đấu tranh, lực lượng công an ghi nhận các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn nhập ma túy dạng bột trái phép từ nước ngoài về Việt Nam để bào chế, gia công đóng, dập thành ma túy dạng viên; chia nhỏ ma túy để ngụy trang, cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa và thuê căn hộ, chung cư để cải tạo, làm nơi cất giấu, tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy...

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức để nhận biết dấu hiệu thường gặp ở người sử dụng ma túy, theo dõi các thông tin về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới…

Các bậc phụ huynh cần quan tâm, giáo dục, khuyến cáo con em không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc.

Trong năm 2023, lực lượng Công an TP.HCM đã triệt phá hơn 2.200 vụ, với hơn 4.900 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 955 vụ và tăng 858 đối tượng so với năm 2022.

Quý I/2024, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 813 vụ, với hơn 2.000 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Cơ quan điều tra đã khởi tố 671 vụ, với 1.202 bị can; xử lý hành chính 125 vụ, với 800 đối tượng; thu giữ hơn 15kg heroin, hơn 64kg cần sa và gần 249kg ma túy khác các loại...

Cơ quan y tế khuyến cáo, ADB-Butinaca và các chất có trong “Socola bay” thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị xem là chất ma túy. Theo Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, ADB-Butinaca có công thức phân tử C18H26N4O2 thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp vì tác dụng của nó gây ra ảo giác, cũng như kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa.

Trước đó, Nghị định 57/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm 17 chất ma túy và 3 tiền chất, nâng tổng số chất cần kiểm soát ở Việt Nam là 557 chất ma túy và 60 tiền chất. Theo đó, đã bổ sung chất ADB-Butinaca vào trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam.

Hiện nay, nhóm cần sa tổng hợp chứa hàng trăm chất khác nhau và ADB-Butinaca là một trong số các chất như vậy. Các chất này bị cấm tại hầu hết quốc gia trên thế giới.

Theo các bác sĩ, người sử dụng chất này sẽ bị gây ảo giác mạnh, hoang tưởng, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe; không làm chủ bản thân, hành vi của mình, từ đó dẫn đến những hành động không kiểm soát, mất nhân tính, vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự.

Món nợ 4 triệu đồng và những bản án sau cuộc nổ súng giữa đêm ở Hà Nội

Ngày 17/6, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Hải (SN 1994, ở Thanh Trì) mức án 15 năm tù về tội Giết người.

Theo cáo buộc, tháng 3/2019, chị L. (SN 1999, Thanh Oai) thuê trọ tại Thanh Trì, làm nhân viên tự do tại các quán Karaoke trên địa bàn huyện. Chị L. vay của anh Nguyễn Hoàng S. (SN 1995, ở Thường Tín) 10 triệu đồng. Sau đó, chị đã trả cho anh S. 6 triệu đồng, còn nợ 4 triệu đồng và không có khả năng trả.

Khoảng 21h30 ngày 25/7/2019, anh S. nhờ bạn chở đến phòng trọ của cô gái tên L. để đòi tiền, nhưng chị L. không có nhà. Vì vậy, S. đã gọi điện cho quản lý của chị L. là anh Nguyễn Hữu Quyết để nói chuyện.

Lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra mâu thuẫn, to tiếng. Lúc này, Quyết hẹn anh S. ra ngã ba Ngọc Hồi (Thanh Trì) để giải quyết mâu thuẫn.

Khoảng 22h20 cùng ngày, sau cuộc điện thoại trên, Quyết cho rằng anh S. sẽ đưa người đến đánh mình nên đã rủ thêm một số bạn xã hội cùng chuẩn bị hung khí là kiếm, súng tự chế để sẵn sàng “nghênh chiến”.

Đến điểm hẹn, nhóm của Quyết nhìn thấy Trần Quang Đạt đang ngồi ăn cùng Nguyễn Tiến Hải và một số người khác tại quán ăn gần đó. Do quen biết với Đạt, nhóm của Quyết đi vào quán và kể lại mâu thuẫn xảy ra.

Một lúc sau, cả nhóm nhìn thấy anh Nguyễn Đình C. điều khiển xe máy chở anh S. đi đến. Thấy vậy, nhóm của Quyết chạy ra chửi bới đối phương. Khi đó, anh C. điều khiển xe máy chở S. bỏ đi. Được khoảng 50m, anh C. vòng xe lại chỗ Quyết.

Cùng lúc này, Quyết điều khiển xe máy chở Đạt đi ngược đường để chặn đánh anh C. và anh S. Trong khi đó, những người còn lại chia nhau ra vây ráp hai nạn nhân.

Khi thấy anh C. vòng xe lại, người trong nhóm của Quyết lấy súng tự chế giơ lên chờ sẵn, sau đó một người trong nhóm của Quyết là Phạm Minh Tuấn đã nổ súng bắn anh C. và anh S. Bị trúng đạn, cả hai ngã xuống đường. Anh C. cố vùng dậy bỏ chạy thì bị hai người trong nhóm của Quyết cầm súng tự chế đuổi theo. Anh C. chạy được khoảng 50m thì ngã gục xuống đường.

Cùng lúc này, anh S. bị Quyết dùng tay, chân đánh đấm. Anh S. cũng cố vùng dậy bỏ chạy thì bị hai người trong nhóm của Quyết dùng súng tự chế đánh vào đầu, mặt. Khi anh S. chạy về hướng nội thành Hà Nội thì bị một người trong nhóm của Quyết đuổi theo, dùng đầu gối thúc vào mặt, đầu…

Chỉ đến khi anh S. chạy vào một quán ăn đêm thì nhóm của Quyết mới chịu dừng tay.

Hậu quả, anh C. bị 70 vết thủng da tại vùng ngực, vai phải, cánh tay phải và bị tử vong do mất máu cấp. Trong khi đó anh S. bị thương tích ở phổi, cổ, gáy và ngực với tỷ lệ tổn hại sức khỏe 42%.

Sau khi phạm tội, Quyết cùng đồng phạm bỏ trốn. Sau đó Trần Quang Đạt đã ra đầu thú; Phan Minh Việt bị bắt sau truy nã. Hai người này đã lần lượt nhận án 11 và 12 năm tù về tội Giết người.

Liên quan đến vụ án, Phạm Minh Tuấn cũng ra đầu thú và nhận án tử hình về tội Giết người. Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Hải đến tháng 2/2023 đã ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.

Ấn Độ: Ô tô bất ngờ lao xuống vực sâu khiến 14 người tử vong

Ngày 17-6, một đoàn tàu chở hàng đã đâm vào đuôi một đoàn tàu chở khách ở bang Tây Bengal (Ấn Độ) khiến ít nhất 8 người chết và 30 người bị thương, theo đài CNN.

Thủ hiến bang Tây Bengal - ông Mamata Banerjee cho biết tàu chở khách Kanchenjunga Express - chạy giữa TP Kolkata (bang Tây Bengal) và TP Silchar (bang Assam) - đã bị một đoàn tàu chở hàng đi từ phía nam TP Siliguri đâm phải tại quận Darjeeling của bang này.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu chở hàng đâm tàu khách, các đội cứu hộ đã nhanh chóng đến hiện trường.

Người phát ngôn của cơ quan Đường sắt Biên giới Đông Bắc của Ấn Độ Sabyasachi De nói với CNN rằng ít nhất 8 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Lãnh đạo cảnh sát quận Darjeeling - ông Abhishek Roy cho biết khoảng 30 người bị thương.

Ông Roy cho hay các hành khách đang được chuyển đến TP New Jalpaiguri - TP gần đó và là ngã ba đường sắt lớn nhất ở phía đông bắc Ấn Độ.

Vụ tai nạn này xảy ra hơn một năm sau khi Ấn Độ trải qua một trong vụ những tai nạn tàu hỏa tồi tệ nhất trong lịch sử nước này vào năm ngoái khi hơn 280 người thiệt mạng trong vụ va chạm giữa hai tàu chở khách và một tàu hàng ở bang Odisha./.