Thức ăn có nguy cơ mất an toàn tràn lan trên vỉa hè
Hàng quán bán đồ ăn vỉa hè được xem là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao nhất. Hiện nay, công tác quản lý, kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này còn gặp nhiều bất cập, khó khăn.
Hàng quán bán đồ ăn vỉa hè được xem là một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cao nhất |
Khu vực chợ Hạ Long I, II (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được coi là thiên đường của hàng quán vỉa hè. Các món ăn như bún, phở, bánh mỳ, thịt quay... được bày biện mọi chỗ để phục vụ thực khách. Theo ghi nhận, các hàng quán vỉa hè trên địa bàn TP Hạ Long tập trung nhiều ở các khu vực chợ, khu dân cư đông đúc.
Thực phẩm trước khi bày biện lên tủ, kệ thì được chất đầy trong thùng xốp cũ, người bán thậm chí dùng tay trần để chế biến thức ăn, rồi cũng chính đôi bàn tay ấy nhận và trả tiền thừa cho khách. Thực khách của các hàng quán này hầu hết là đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, một số viên chức...
Hầu hết những thực phẩm này không có nhãn mác, đóng gói cẩn thận |
Điểm chung của họ đều là những người khá dễ tính và xuề xoà trong chuyện ăn uống, chỉ quan tâm đến sự tiện lợi, hợp miệng, còn vấn đề sạch sẽ, an toàn thực phẩm (ATTP) thường bị bỏ qua. Đó là chưa kể đến tâm lý ưa chuộng giá rẻ của hàng quán vỉa hè.
Bích Phượng, học sinh trường THPT Hòn Gai, thành phố Hạ Long chia sẻ: “Khu vực này các hàng quán đều tồn tại đã lâu, có đủ mọi loại đồ ăn đáp ứng được đại đa số nhu cầu của khách hàng, mà đồ ăn cảm thấy lại ngon miệng, giá cả hợp lý nên chúng em thường xuyên tới ăn. Bản thân em khi đã ăn ở đây thì không để ý lắm đến vấn đề vệ sinh, bởi mình cũng thường xuyên ăn ở đâu chưa bao giờ bị đau bụng hay ngộ độc cả”.
Dễ dàng mua thức ăn nhanh. |
Còn anh Vũ Đức Dũng, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long thì cho rằng: “Tôi thường đi làm về muộn, vì thế hay mua đồ ăn chế biến sẵn về sử dụng, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị bữa ăn. Tôi cũng rất lo ngại vấn đề ATVS thực phẩm, tuy nhiên, chưa thấy biểu hiện gì nên vẫn sử dụng”.
Hàng quán bán đồ ăn vỉa hè được xem là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cao nhất. Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm soát ATTP đối với các hàng kinh doanh này còn không ít khó khăn. Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: Việc quản lý các hàng quán vỉa hè rất khó thực hiện vì các hàng quán này đa phần là kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, chỉ kinh doanh vào một vài thời điểm trong ngày.
Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý ATTP với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, Chi cục sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị chức năng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tăng cường thanh tra kiểm tra.
Ông Nguyễn Minh Chung nói: “Tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra và phát hiện cơ sở nào vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thì kiên quyết đình chỉ, xử lý xử phạt nghiêm khắc. Thực phẩm không đảm bảo an toàn là phải tịch thu, tiêu hủy. Đối với cơ sở ăn uống cũng phải có sổ sách ghi chép về nguồn gốc xuất xứ, thì mới có thể đáp ứng cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn được tốt không”.
Đặc biệt, một trong những vấn đề bất cập nhất hiện nay trong công tác quản lý ATTP đó là tổ chức còn dàn trải, phân tán giữa các cấp. Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản bày tỏ: “Người ta không chia thực phẩm theo nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Thực phẩm ăn liền sẽ phải phân công những người có trình độ cao và kiểm soát với tần suất rất cao đối với loại thực phẩm này, hay là chế độ đặc biệt để kiểm soát nó.
Còn đối với những loại thực phẩm phải nấu chính trước khi ăn thì sẽ giao cho chuyên gia có trình độ thấp hơn, nhưng cả ba Bộ hiện nay đều phân công: Cơ sở nào to thì Trung ương quản, cơ sở nhỏ cho tỉnh; tỉnh lại chọn những cơ sở to hơn để quản, còn cơ sở nhỏ nhất thì giao cho huyện và xã. Cho dù cơ sở đó đang bán phở, làm bánh tráng… Đấy là những thực phẩm có nguy cơ rất cao, đáng lý phải giao cho Trung ương quản lý thì giao cho huyện và xã”.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, mỗi người hãy có ý thức tự giác, trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân và đối với những người xung quanh mình. Hãy nói không với những quán ăn đường phố không đảm bảo các điều kiện ATTP.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những quán vỉa hè không tuân thủ các điều kiện ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.