Thủ tướng dự khai trương TT Hành chính công và XTĐT tỉnh Quảng Nam
Nhân dịp Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam, chiều 26/3, tại Thành phố Tam Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng cắt băng khai trương Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam |
Đây là mô hình kết hợp 3 chức năng trong 1 cơ quan, đó là chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; chức năng xúc tiến đầu tư và chức năng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính là trọng tâm.
Đến nay, Trung tâm đã hoạt động được hơn hai tháng, đã tiếp nhận biệt phái 61 cán bộ từ các sở ngành về làm việc, tổ chức tiếp nhận và giải quyết 748 tổ chức hành chính của 22 đơn vị, trong đó có 3 cơ quan trung ương là Công an, Cục Thuế và Bảo hiểm xã hội.
Lãnh đạo tỉnh đánh giá, Trung tâm đi vào hoạt động đã tạo được không gian gần gũi, thân thiện, văn minh, lịch sự để người dân và doanh nghiệp đến giao dịch; giải quyết thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính đều được Trung tâm niêm yết công khai, minh bạch và có thể truy cập trên hệ thống máy móc hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân nắm bắt thông tin và giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan liên quan.
Thủ tướng tham quan Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam |
Số lượng người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tăng dần qua thời gian. Chất lượng giải quyết công việc và thái độ ửng xử của công chức đã được hoàn thiện khá nhanh chóng, hầu hết các hồ sơ khi tiếp nhận đều được giải quyết và trả kết quả đúng hoặc trước thời hạn.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo để đến cuối năm 2017, có 90% tổng số thủ tục hành chính của từng cơ quan, đơn vị đuợc chuyển về tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung; đơn giản hóa hồ sơ, lồng ghép một số thủ tục hành chính có liên quan. Cùng với đó là tăng cường giao dịch trực tuyến để đến cuối năm 2017 có ít nhất 200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được giải quyết tại Trung tâm.
Quảng Nam cũng cho biết năm nay sẽ thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công cấp huyện ở Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và liên thông với Trung tâm cấp tỉnh. Năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ thành lập Trung tâm cấp huyện tại các địa phương còn lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp xe ô tô THACO MAZDA |
Trước đó, chiều nay, tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công xây dựng nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO), có công suất 100.000 xe/năm.
Nhà máy được triển khai theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 35 ha, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2018.
Với sự chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật của hãng Mazda, nhà máy ô tô THACO - Mazda được đầu tư với công nghệ hiện đại của Châu Âu, Nhật Bản. Dây chuyền lắp ráp với hơn 70% các công đoạn lắp đặt sử dụng robot và lắp đặt hầu hết các thiết bị hỗ trợ để gia tăng độ chính xác và giảm sức lao động cho công nhân. Nhà máy này được khởi công trong bối cảnh giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 30% về bằng 0% vào năm 2018, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện vẫn đang là bình quân 18%.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghiệp ô tô không chỉ là sản xuất ô tô mà còn là thương hiệu của một quốc gia. Vì vậy tại kỳ họp vừa qua, Thủ tướng đã đề xuất Quốc hội xem xét những chính sách có điều kiện để Việt Nam có thể hình thành ngành công nghiệp sản xuất ô tô và đề xuất này được Quốc hội ủng hộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Trường Hải – Chu Lai hợp tác với Tập đoàn ô tô Mazda để sản xuất lắp ráp ô tô Mazda tại Việt Nam theo công nghệ hiện đại. Thủ tướng cũng đề nghị Mazda chuyển giao công nghệ sản xuất phụ kiện ô tô cho các doanh nghiệp Việt Nam để có nhiều linh kiện phụ trợ được sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ ô tô phát triển. Do vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe các doanh nghiệp về mức thuế suất và Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất chính sách tổng thể về nhập khẩu ô tô theo đúng cam kết quốc tế, song phải có hàng rào cần thiết để bảo về ô tô sản xuất trong nước theo đúng pháp luật./.