Thủ tướng Anh cố “phá thế cờ vây”, công bố thời điểm bỏ phiếu Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (17/2) tuyên bố, nghị viện nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, vào giữa tháng 1 tới.
Thông báo tưởng chừng như giúp Anh và Liên minh châu Âu khơi thông bế tắc trong vấn đề này, lại một lần nữa đặt vị nữ lãnh đạo của nước Anh trước một thử thách mới.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: iNews. |
Công đảng đối lập đã ngay lập tức kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Theresa May ngay trong tuần này.
Thủ tướng Theresa May hôm 17/2 có bài phát biểu đầu tiên trước Nghị viện kể từ sau chuyến làm việc “không mấy thành công” tại Brussels hồi cuối tuần trước. Một lần nữa, bà lại phải tìm cách “hạ nhiệt những cái đầu nóng” tại cơ quan lập pháp này. Theo nhà lãnh đạo Anh, nhiều nghị sĩ mong muốn bà đưa ra quyết định nhanh chóng. Vì thế, bà và các cộng sự có ý định nối lại các cuộc tranh luận tại Nghị viện về dự thảo thỏa thuận Brexit trong tuần bắt đầu từ ngày 7/1/2019 và tổ chức bỏ phiếu vào tuần sau đó.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ban đầu dự kiến vào ngày 11/12 vừa qua. Song Thủ tướng Theresa May đã quyết định trì hoãn mà không đưa ra bất kỳ thời gian biểu cụ thể nào nhằm tránh bị thất bại.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremay Corbyn lại chỉ trích đây là một “lịch trình không thể chấp nhận”, dù trước khi bước vào cuộc tranh luận, ông này đã cảnh báo về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Theresa May nếu không có bất kỳ thời gian biểu cụ thể nào được đưa ra.
Ông Corbyn nói: “Dù hiểu theo cách nào, thì một lịch trình như thế cũng là không thể chấp nhận. Theo tôi cách duy nhất để đảm bảo một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trong tuần này là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng do thất bại trong việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện về thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu cũng như khuôn khổ cho mối quan hệ tương lại giữa Anh và Liên minh châu Âu.”
Các nguồn tin chính phủ tối qua khẳng định, Thủ tướng sẽ không chấp nhận yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm của Công đảng và nếu vẫn quyết “đi tới cùng”, thì ông Jeremay Corbyn có thể yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với toàn bộ chính phủ. Nếu được đa số nghị sĩ thông qua, nước Anh sẽ tổ chức bầu cử sớm.
Theo các nhà phân tích, ngay cả khi một cuộc bỏ phiếu như thế diễn ra, bà Theresa May vẫn có thể “thoát hiểm” như cuộc bỏ phiếu trong đảng Bảo thủ hồi tuần trước. Bởi nhiều nghị sĩ ủng hộ Brexit đã thông báo sẽ không đứng cùng bên với những người Công đảng, trong khi một số đảng phái khác, trong đó có Đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ailen cũng ngỏ ý không ủng hộ.
Trong bối cảnh bế tắc chính trị ở trong nước liên quan tới thỏa thuận Brexit, giả thiết về một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về vấn đề Brexit đang làm nóng mọi cuộc tranh luận tại Anh. Sau chuyến đi không mấy thành công tới Brussels với sứ mệnh thuyết phục các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Thủ tướng Theresa May hôm 17/12 một lần nữa bác bỏ khả năng này. Theo bà, một ý tưởng như vậy chỉ khiến người dân Anh mất đi niềm tin và đào sâu thêm sự chia rẽ ở trong nước:
“Một cuộc bỏ phiếu khác sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với sự toàn vẹn của nền chính trị đất nước. Bởi điều này sẽ là câu trả lời cho hàng triệu người vẫn luôn tin tưởng vào nền dân chủ. Một cuộc bỏ phiếu khác cũng có thể không giúp chúng ta tiến xa hơn, mà thậm chí còn gây chia rẽ đất nước trong thời điểm cần đoàn kết.”
Tuy nhiên, tờ Thời báo (Times) số ra hồi cuối tuần trước cho biết, nhiều bộ trưởng hiện có ý kiến rằng, thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May đàm phán được đã rơi vào điểm chết. Một số Bộ trưởng như Bộ trưởng Giáo dục Damian Hinds thậm chí còn bày tỏ ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân mới.
Chưa đầy 3 tháng trước thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (23h GMT ngày 29/3/2019), sự thiếu vắng những bước tiến cụ thể đang làm gia tăng nguy cơ một Brexit không có thỏa thuận. Đây cũng là kịch bản khiến nhiều chuyên gia kinh tế cũng như thị trường lo ngại./.