Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra chấm thi tại Thanh Hóa, Ninh Bình
Tiếp tục các hoạt động kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2019, hôm nay (03/07), Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chấm thi tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra chấm thi tại Thanh Hóa, Ninh Bình. |
Theo báo cáo của Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Ban chấm thi tự luận đã khai mạc từ ngày 02/07. Hội đồng thi đã huy động 221 giáo viên Ngữ văn chấm thi, được chia thành 4 tổ chấm.
Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Trưởng Ban chấm thi tự luận cho biết, năm nay công tác chấm thi được Ban chỉ đạo thi tăng cường bảo vệ khu vực chấm với 8 công an bảo vệ. Công an tỉnh cũng triển khai máy phá sóng điện thoại tại khu vực chấm thi. Tất cả giáo viên đều được lựa chọn kỹ lưỡng qua nhiều cấp, đảm bảo đủ năng lực nghiệp vụ và đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Chúng tôi yêu cầu các hiệu trưởng nhà trường lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm cao trong công việc và qua quá trình thực tiễn giới thiệu để Sở lựa chọn và tất cả các đồng chí này đều được phổ biến quy chế, hướng dẫn thực hiện rất nghiêm túc", ông Thi nói.
"Những đồng chí nào được lựa chọn vào Ban chấm thi thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm về trách nhiệm cũng như tinh thần, thái độ để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi cố gắng hoàn thành sớm theo kế hoạch, khoảng tầm 10/7 là chúng tôi hoàn thành các công việc liên quan đến quá trình chấm thi", ông Thi cho biết thêm.
Công tác chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hóa do Trường đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì với 22 cán bộ và sẽ xử lý, chấm 112 nghìn bài thi trắc nghiệm. Dự kiến sẽ xử lý công việc các bước, chấm xong và gửi kết quả về Bộ trước ngày 6/7.
Tại tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban chấm thi tự luận cho biết, Ban đã huy động 94 cán bộ (trong đó 66 cán bộ chấm thi). Tổng khối lượng bài thi tự luận môn Ngữ văn là trên 8.200 bài.
Đến ngày ngày 3/7 khối lượng chấm bài thi tự luận ước đạt gần 20% số bài thi và dự kiến chấm xong vào ngày 9/7. Sở cũng thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi theo tiến độ chấm thi.
Ông Phạm Thanh Toàn, Trưởng Ban chấm thi tự luận cho hay: "Chấm kiểm tra sẽ thực hiện ít nhất phải 5% và đặc biệt tập trung vào những bài điểm cao, những bài điểm có vênh lệch mà khi thống nhất (chấm đối sánh) không thống nhất được. Bài điểm cao thì tùy theo tình hình, bây giờ chúng tôi đang dự định từ 8 điểm trở lên, thế còn nếu căn cứ tình hình theo những ngày chấm sau mà chúng tôi thấy có thể nâng lên hoặc có thể hạ xuống tùy theo tình hình kết quả".
Ban chấm thi trắc nghiệm do Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chủ trì với 19 cán bộ chấm thi đã bắt đầu làm việc từ ngày 28/6, quét dữ liệu bài thi và kết xuất gửi đĩa về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo thống kê của Ban chấm trắc nghiệm, có gần 500 bài thi bị hệ thống báo lỗi, chủ yếu lỗi số báo danh và hiện cán bộ chấm thi trắc nghiệm đang thực hiện kiểm dò, sửa lỗi.
Đánh giá về công tác chấm thi tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, cả 2 địa phương này đã chuẩn bị rất tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phòng chấm thi cho cả hai Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm, tăng cường an ninh...
Đến nay, tiến độ chấm đều đang đảm bảo theo hướng dẫn. Do gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra ở khâu chấm thi nên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý các Ban chấm thi ở 2 địa phương này phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để chấm thi khách quan, công bằng, không có gian lận. Ban chấm thi tự luận phải đặc biệt quan tâm đến khâu chấm kiểm tra, nhất là chấm kiểm tra bài sau khi đã có kết quả thống nhất điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Chấm kiểm tra không nhằm mục đích là để điều chỉnh điểm nhưng mà mình có ý kiến tham mưu với lãnh đạo hội đồng để có sự điều chỉnh cho đúng tiến độ, cùng thống nhất nhận thức để điều hành khâu chấm phù hợp".
"Trong những trường hợp đặc biệt sẽ cho chấm lại để đối thoại với giám khảo cặp chấm trước. Từ đó điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo tính công bằng khách quan. Những trường hợp mà điểm cao thông qua chấm kiểm tra thì sẽ đảm bảo tính chính xác", ông Độ nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, công tác chấm thi năm nay phải được thực hiện không áp lực về thời gian, chấm kỹ, không để sót điểm bài thi để đảm bảo công bằng cho thí sinh./.