Thi trắc nghiệm, xác suất tiêu cực là bao nhiêu?
Ông Sái Công Hồng, giám đốc trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội |
Nhiều người băn khoăn, với đề thi trắc nghiệm, đáp án chỉ cần tích vào phiếu trả lời nên rất dễ giúp học sinh gian lận. Thậm chí có người còn khẳng định trong phòng thi chỉ cần một học sinh giỏi là cả phòng được “nhờ”. Ông nghĩ sao?
Có thể nói hiện tượng gian lận trong trong tổ chức thi thì dù thi bằng hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan vẫn có thể xảy ra ở các phòng thi. Tuy nhiên, đúng là nếu thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn bằng một đề thi giống nhau thì điều băn khoăn của nhiều người hoàn toàn có lý, vì dù có coi nghiêm túc đến mấy chỉ cần các thí sinh cố tình cho nhau biết đáp án của các câu hỏi thi thì hiện tượng trong phòng thi chỉ cần một học sinh giỏi làm được là cả phòng được “nhờ” cũng có thể sẽ xảy ra.
Trong thi trắc nghiệm, theo ông, xác suất tiêu cực là bao nhiêu?
Đối với thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan thì bao gồm 2 đặc điểm chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan và cách cho điểm hoàn toàn không phụ thuộc vào người chấm. Nếu thực hiện đúng theo đúng các đặc điểm này, đồng thời qui trình tổ chức thi nghiêm túc thì theo lý thuyết sẽ không thể có tiêu cực xảy ra.
Hiện tượng thí sinh đạt điểm 0 môn Toán (tự luận) nhưng lại được 10 môn Vật lý (thi trắc nghiệm) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua ở Nghệ An, Ông nhận định điều này như thế nào? Cách chống gian lận trong thi trắc nghiệm như thế nào? Ông có nhận định gì về cách làm trong tổ chức thi các môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT QG năm 2017?
Việc thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 ở Nghệ An đạt điểm 0 môn Toán (tự luận) nhưng lại được 10 môn Vật lý (thi trắc nghiệm) theo nhận định của cá nhân tôi có thể đã có hiện tượng gian lận trong thi trắc nghiệm môn Vật lý ở phòng thi này và thí sinh đó đã chép được đáp án của một thí sinh khác có cùng mã đề thi với mình có kết quả làm bài đúng tuyệt đối (năm 2016 mỗi môn thi trắc nghiệm chỉ thi bằng một đề thi và trộn lên thành 6 mã đề khác nhau).
Các nhà tổ chức thi có rất nhiều các giải pháp để hạn chế các gian lận này như xóa trộn vị trí các câu hỏi thi trong đề thi, xóa trộn vị trí các các phương án trả lời của câu hỏi thi; cho mỗi thí sinh một đề thi hoàn toàn khác nhau; thậm chí người ta có thể cho các thí sinh thi các bài thi của các môn thi khác nhau trong cùng một phòng thi; tổ chức thi trên máy tính, các câu hỏi của các thí sinh xuất hiện ngẫu nhiên trong mỗi bài thi…
Đối với phương án thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT công bố cuối tháng 9/2016, đã xây dựng giải pháp để chống gian lận trong thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan bằng giải pháp kỹ thuật là cho mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi một đề thi với các câu hỏi hoàn toàn khác nhau.
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì đây là giải pháp hợp lý nhất trong việc tổ chức các bài thi trắc nghiệm khách quan trên diện rộng và đặc biệt là thi trên giấy. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ phải đầu tư vào việc xây dựng một hệ thống ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn để thực hiện giải pháp này.
Với kinh nghiệm đã triển khai việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN trong mấy năm qua tôi tin tưởng Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể xây dựng được đầy đủ các ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho giải pháp chống gian lận trong tổ chức thi các bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPTQG năm 2017.
Xin cảm ơn ông!