Thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung chuyên đề trình tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII
Thảo luận tổ về các nội dung chuyên đề được các đại biểu quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến. |
Đối với nội dung Tờ trình về kế hoạch đầu tư công năm 2021, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ tồn tại, vướng mắc trong xác định tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương và đề xuất kế hoạch trong năm tới.
Đại biểu Lê Văn Tâm, Tổ đại biểu thị xã Phổ Yên |
Đại biểu Lê Văn Tâm, Tổ đại biểu thị xã Phổ Yên nêu ý kiến: “Về định mức chi ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách năm 2021 và phân bổ dự toán năm 2021, đề xuất theo hướng là tới đây, chúng ta nên khoán, tách riêng ra, cái phần nào là phần chi khác, phần nào là phần chi lương và các khoản tính chất lương nên tính đủ, còn lại chi khác là tính ổn định cho cả thời kỳ, như là đối với công chức cấp tỉnh, còn đối với công chức cấp huyện và cấp xã là đang khoán ở mức 77 triệu đồng cho cấp xã và 110 triệu đồng cho 1 biên chế công chức huyện thì định mức này đối với cả cấp huyện và cấp xã đều khó khăn.”
Đánh giá cao tính cấp thiết về việc ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như cụ thể hóa định hướng trở thành Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của tỉnh, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá chất thải nguy hại và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuý Nga, Tổ đại biểu huyện Phú Bình |
Đại biểu Nguyễn Thị Thuý Nga, Tổ đại biểu huyện Phú Bình cho rằng, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá: “Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi ngày chúng ta phát sinh hơn 800 tấn chất thải sinh hoạt và hơn 83.000m3 nước thải sinh hoạt, đặc biệt là khoảng hơn 200 tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, trong phần chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2021-2025 thì vấn đề xử lý, cũng như là tỷ lệ chúng ta có thể xử lý được chất thải nguy hại như thế nào thì chúng tôi chưa thấy đánh giá trong phần này. Vì thế cho nên chúng tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một chỉ tiêu về đánh giá và xử lý được chất thải nguy hại trong thời gian tới.”
Đại biểu Đoàn Bách Thảo, Tổ đại biểu huyện Đại Từ |
Đại biểu Đoàn Bách Thảo, Tổ đại biểu huyện Đại Từ cũng đề nghị cần quan tâm định hướng và các cơ chế chính sách: “Khối lượng chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt càng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong tờ trình thì có một nhiệm vụ chúng ta cũng chỉ xử lý rác thải này thông qua 2 phương pháp, đó là đốt và chôn lấp. Về lâu dài, phương pháp này sẽ không đảm bảo, đề nghị các đồng chí đánh giá thêm về nội dung đó, cũng như là trao đổi thêm về định hướng của tỉnh, đặc biệt là việc ban hành các cơ chế chính sách để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.”
Cho ý kiến vào kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp của HĐND tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tập trung giải quyết, tuy nhiên một số ý kiến tồn đọng qua nhiều kỳ, vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các ý kiến, kiến nghị còn chồng chéo.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mác, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên |
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mác, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên nêu băn khoăn: “Rất nhiều ý kiến đã được giám sát và đã được chất vấn của HĐND tỉnh, nhưng đến kỳ họp này thấy rằng, các ý kiến tồn tại nhiều kỳ đến thời điểm này vẫn giao và kết luận, trả lời vẫn giống các kỳ họp trước. Về địa chỉ không rõ ràng, lộ trình thời gian giải quyết không có, và đây ảnh hưởng rất lớn tới nhân dân. Đặc biệt trên địa bàn thành phố có mấy dự án chúng tôi cũng nêu đi nêu lại rất nhiều lần. Ví dụ tiến độ bàn giao khu 5 tầng Trung Thành, nội dung này tỉnh giao Sở Xây dựng, đến thời điểm này Sở Xây dựng cũng chậm 6 tháng theo kết luận Ủy ban tỉnh.”
Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Tổ Đại biểu huyện Phú Lương |
Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Tổ Đại biểu huyện Phú Lương cũng đề nghị: “Có một số nội dung xin ý kiến các sở, ngành ở tỉnh rất lâu, nhưng để có ý kiến phản hồi hoặc là hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết thì rất chậm. Chúng tôi mong muốn là giải quyết dứt điểm những ý kiến mà rất phức tạp, kéo dài để tránh gây điểm nóng, bức xúc trong nhân dân.”
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến là Tờ trình đề nghị thông qua Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Đánh giá cao mục tiêu, ý nghĩa của đề án, tuy nhiên một số đại biểu cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm mang tính thế mạnh của địa phương; đồng thời xây dựng các giải pháp mang tính cụ thể hơn gắn với mục tiêu của đề án. Cùng với đó, cần chỉ rõ nguồn lực, kinh phí thực hiện đề án, qua đó làm căn cứ để các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả sau khi được thông qua.
Đại biểu Kiều Thị Thao, Tổ đại biểu huyện Phú Bình |
Đại biểu Kiều Thị Thao, Tổ đại biểu huyện Phú Bình có ý kiến về việc cần có thêm nhiều sản phẩm chủ lực hơn: “Trong này các đồng chí đưa ra 6 sản phẩm chủ lực, đề nghị các đồng chí nghiên cứu xem xét, nếu đưa thêm được các sản phẩm chủ lực khác, ví dụ như là gạo, ví dụ như các loại rau quả, ví dụ như thủy sản… Chúng ta bàn bạc xem, bởi trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều huyện có điều kiện và chúng ta đưa thêm các sản phẩm chủ lực vào để các địa phương có điều kiện, có định hướng. Chúng tôi sau này về cũng tổ chức thực hiện và sẽ có nhiều khu vực sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao.”
Đối với Tờ trình quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm thời hạn và mức hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện di dời, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan về vấn đề xử lý môi trường sau khi cơ sở chăn nuôi được di dời. Vấn đề quy hoạch phát triển khu vực chăn nuôi cũng cần được xây dựng sát với tình hình thực tế.
Đại biểu Phan Thị Thu Hằng, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên |
Đại biểu Phan Thị Thu Hằng, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên đề xuất, cần có quy hoạch khu vực chăn nuôi: “Chúng ta cũng cần phải có quy hoạch khu vực chăn nuôi cho cụ thể, tránh tình trạng như kiểu các cụ nói là thầy bói dọn cưới. Chúng ta dọn được đến đây, xong đến vài năm nữa chúng ta lại bảo họ là chỗ đấy lại không được, bởi vì quy mô đô thị ngày càng tăng, mật độ dân số tăng, thì có khi khu vực này hôm nay đạt yêu cầu dưới 80%, nhưng đến 2-3 năm nữa họ lại phát triển lên trên 80% thì chúng ta lại bắt họ di dời.”
Cho ý kiến vào Tờ trình về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên năm 2021, nhiều đại biểu cho rằng, đây là chính sách đặc thù của tỉnh trong thực hiện tinh gọn bộ máy ngành giáo dục. Tuy nhiên, trước những bất cập đã được chỉ ra, cần xem xét điều chỉnh nghị quyết phù hợp hơn với tình hình thực tế, đồng thời có kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để có những giải pháp căn cơ./.