Thăm đền thờ vị khoa bảng danh tiếng
Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền, thuộc xóm Chợ, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên.

Sinh ra và lớn lên ở làng Sa Kệ (Đồng Hỷ) nay là các xã Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng (TP Thái Nguyên). Năm 1535, đời Mạc Đăng Doanh, Đàm Chí thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Sau khi đỗ Tiến sĩ được bổ làm quan tri huyện, ông được cử lên huyện Phú Lương (nay thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn); sau đó, được thăng chức và làm tới chức Thừa chính xứ, một trong những chức cao thời bấy giờ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng xóm Chợ, Phó Ban Quản lý Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí cho hay: "Khi cụ đỗ tiến sĩ, nhà vua điều cụ trấn ải 6 tỉnh vùng núi phía Bắc, trong đó có Bắc Thái lúc bấy giờ. Đến năm 1571, cụ mất và được chôn cất tại đây. Tại Văn miếu Quốc Tử Giám có bia ghi danh cụ".

Thăm đền thờ vị khoa bảng danh tiếng
Hằng năm, vào dịp giỗ Tiến sĩ ngày 25/10 (Âm lịch), nhân dân xóm Chợ và dòng họ Đàm trên cả nước đều cùng nhau về dâng hương tế tổ.

Được biết, khi chưa xây dựng được Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí, người dân xóm Chợ lập miếu nhỏ cạnh gốc đa đầu làng thờ ông. Năm 2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Sau khi làm đủ các thủ tục, UBND xã Phúc Trìu và nhân dân địa phương cùng dòng họ Đàm trong nước đã công đức xây dựng ngôi đền thờ. Hằng năm, vào dịp giỗ Tiến sĩ ngày 25/10 (Âm lịch), nhân dân xóm Chợ và dòng họ Đàm trên cả nước đều cùng nhau về dâng hương tế tổ.

Ông Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết: "Hàng năm, xã Phúc Trìu chỉ đạo Ban Quản lý Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí thường xuyên tu sửa, bảo tồn và phát huy giá trị Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Địa phương đề nghị với cơ quan chức năng các cấp, đặc biệt, UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có văn bản công nhận Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí là di tích cấp tỉnh".

Việc xây dựng Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, thông qua đó còn giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học của ông cha xưa./.