Tết đến, trẻ dễ dị ứng với món lạ
Khác với người lớn, vốn khá quen và biết tránh các món không hạp, trẻ nhỏ thường bị cuốn hút vào những món ăn lạ và đôi khi mắc phải những cơn dị ứng từ nhẹ đến nặng. Vì thế, trong dịp Tết - mùa của những chuyến đi, những bàn tiệc thịnh soạn - việc cho trẻ ăn uống hợp lý và nhận biết sớm các dấu hiệu dị ứng thức ăn của trẻ là rất quan trọng.
Cẩn thận với món mới
“Vốn kỹ tính nên mẹ chồng tôi luôn chuẩn bị món ăn vặt ngày Tết là các loại hạt, thay vì bánh mứt, vì sợ ăn nhiều đường không tốt. Bởi vậy, mấy năm trước, tôi cũng yên tâm khi con trai đầu xin bà nội hạt dẻ, bí, đậu phộng, đậu nành… Nghĩ rằng đậu tốt và “hiền” nên năm ngoái, khi cháu thứ hai mới 2 tuổi của tôi muốn ăn hạt, cả nhà cho thoải mái. Ai ngờ cháu nổi ban khắp người ngay chiều hôm đó và phải nhập viện” - chị Nguyễn Mai Tr., giáo viên tại quận Gò Vấp, cho biết. Sau đó, con chị được đưa đi khám và kết quả là bị dị ứng đậu phộng khá nặng.
Tại một buổi sinh hoạt chuyên đề gần đây của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, cảnh báo Tết là dịp mọi người, bao gồm trẻ em, có nhiều cơ hội tiếp xúc với cao lương mỹ vị, trong đó có các món ăn lạ, được thưởng thức các món cả năm không ăn hoặc chưa từng ăn. Ngoài ra, Tết cũng là dịp nhiều gia đình tổ chức du lịch xa và có điều kiện “thử” các đặc sản địa phương. Vấn đề là khi tiếp xúc với món ăn lạ thì coi chừng bị dị ứng!
Theo BS Nguyễn Thị Ngọc, Đơn vị Dị ứng - Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, dị ứng có thể hiểu là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với những chất lạ. 90% trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ em là do các loại thực phẩm không quá xa lạ: sữa, trứng, cá, tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng; hạt có vỏ cứng, sữa đậu phộng. Theo một nghiên cứu tại Pháp, loại thực phẩm khiến nhiều người ở nước này bị dị ứng nhất là trứng (34% các trường hợp dị ứng), đậu phộng (23%) và sữa (8%). Với trẻ em, tỉ lệ dị ứng thức ăn nói chung vào khoảng 2%-6%.
Khi tham gia các bữa tiệc ngày Tết hay thưởng thức món lạ trên đường du Xuân, người lớn chỉ nên cho trẻ ăn thăm dò một ít đối với các món mới Ảnh: THANH NHÂN |
Đừng kiêng cữ quá đáng!
Theo các BS, với những trẻ đã có thể ăn uống như người lớn thì cha mẹ nên cho trẻ cùng tham gia các bữa tiệc Tết nhưng tránh những thức ăn có nhiều gia vị (đặc biệt là bột ngọt), thực phẩm đóng hộp, thực phẩm lên men (rau củ ngâm giấm, dưa chua), hải sản và thực phẩm không tươi sống, trái cây khô đóng gói - chế biến sẵn, nước giải khát công nghiệp, thức uống lên men. Nên ăn ít muối, bổ sung trái cây, ăn phong phú để cân bằng với những món giò chả, bánh chưng, mứt... vốn có độ ngọt và chất béo cao. Trẻ hoàn toàn có thể thoải mái tham gia các bữa tiệc Tết cùng gia đình nhưng khi đối diện với các món chưa từng ăn thì nên cẩn thận, chỉ cho bé ăn thăm dò một ít và mỗi lần thử một loại thức ăn.
Với bé còn bú, người mẹ nên cố gắng uống nhiều nước và tránh thức khuya để đủ sữa. Đồng thời, một số món ăn ngày Tết nhiều đạm, tẩm ướp nhiều gia vị và hương liệu có thể làm thay đổi mùi vị sữa khi mẹ ăn, khiến bé khó chịu, biếng ăn nên các mẹ đang cho con bú nên lưu ý lựa chọn món ăn phù hợp.
Theo BS Nguyễn Thị Ngọc, dị ứng thức ăn ở trẻ được chẩn đoán khi các triệu chứng xuất hiện lúc trẻ dùng loại thức ăn nghi ngờ, hết triệu chứng khi loại bỏ thức ăn đó, tái xuất hiện triệu chứng mỗi khi ăn thức ăn đó lại và không liên quan đến lượng thức ăn ăn vào. Trẻ có thể được làm test lẩy da, test kích thích đường miệng hay xét nghiệm IgE đặc hiệu để xác định nguyên nhân dị ứng. Các dạng test chỉ được thực hiện tại BV.
Tuy nhiên, BS Ngọc cũng lưu ý đôi khi cha mẹ thấy con mình dị ứng nên buộc trẻ ăn kiêng kéo dài, điều này không cần thiết vì có thể gây mất cân đối trong bữa ăn của trẻ. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng, trẻ cần được đưa đi khám để chẩn đoán xác định. Một số trẻ dị ứng với sữa, trứng, bột mì có thể hết khi lớn lên. Có 2 nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị dị ứng thức ăn: bị suyễn (tỉ lệ dị ứng thức ăn khoảng 10%-20%) và có cha mẹ bị dị ứng.
Nguy hiểm nhất là sốc phản vệ
Nếu xét theo thời gian xuất hiện, dị ứng thức ăn có 2 loại: tức thì và chậm. Dị ứng tức thì (trong vòng 1-2 giờ) có thể biểu hiện bằng nổi mề đay, ói, hồng ban quanh miệng, viêm mũi, ho, khò khè, tiêu chảy cấp. Dị ứng biểu hiện chậm (thường trong vòng 1 tuần) bao gồm các triệu chứng tiêu lỏng, tiêu chảy, táo bón, chàm mạn tính, suy dinh dưỡng, triệu chứng hô hấp mạn tính. Trong dị ứng, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, xảy ra ở 1/100.000 đến 70/100.000 trường hợp và 13%-65% là do thức ăn. Sốc phản vệ có thể gây tử vong và cần được đưa đi cấp cứu. Trẻ có biểu hiện dị ứng nên được đưa đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán xác định và được hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.