Tăng cường kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên
Giờ học ngoại khóa của các em học sinh trường THCS Cây Thị, huyện Đồng Hỷ

Trong giờ học ngoại khóa của các em học sinh trường THCS Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, các em sẽ cùng cán bộ y tế nhà trường trao đổi nội dung về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản - những kiến thức rất đơn giản, nhưng không phải học sinh nào cũng hiểu đúng và hiểu đầy đủ.

Cây Thị là xã còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Hỷ, bởi vậy việc trang bị và quan tâm đến kỹ năng sống cho con em mình vẫn chưa được các bậc phụ huynh quan tâm. Từ thực tế đó, những năm qua, trường THCS Cây Thị đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức những buổi ngoại khóa về kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản với mục tiêu để học sinh phát triển toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Rất mong muốn trong thời gian tới khi chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào, môn giáo dục kỹ năng sống là một môn riêng, có những giáo viên được đào tạo bài bản thì chúng tôi sẽ được tiếp cận nhiều hơn với kỹ năng sống, giúp cho các em vừa được nhận biết về kỹ năng sống, về đạo đức, kiến thức, giúp các em phát triển toàn diện hơn”.

Tăng cường kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên
Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản tại TP Thái Nguyên

Thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tỉnh Thái Nguyên. Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả. Đầu tháng 12/2020 đã có 36 trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh tham gia và tổ chức Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Qua đó đã cung cấp kiến thức đến với hơn 40 nghìn học sinh lứa tuổi THPT trên địa bàn tỉnh.

Em Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Học sinh trường THPT Phổ Yên chia sẻ: “Em thấy đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, mang lại nhiều kiến thức cho lứa tuổi vị thành niên”.

Ông Dương Thanh Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bình cho biết: “Những buổi sinh hoạt ngoại khóa trước hết giúp các em học sinh học tập, thứ hai là giao lưu học hỏi và rèn luyện kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, tổ chức hoạt động nhóm. Đó là những vấn đề rất thiết thực và ý nghĩa để rèn kỹ năng sống cho các em”.

Tại Việt Nam, thời gian qua, hệ thống y tế và dân số đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân, quan tâm cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, theo thống kê trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 đến 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Tăng cường kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên

Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên: “Việc cung cấp, trang bị cho các em những kiến thức, thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh, những vấn đề liên quan đến giới tính, nâng cao vị thế của trẻ em gái, vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, giúp các em có đủ kiến thức, hành trang để khi lớn lên có thể tự chăm sóc bản thân và chuẩn bị cho đời sống hôn nhân”.

Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, cùng lượng thông tin khổng lồ các em tiếp thu từ mạng xã hội, đã đến lúc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng cần quan tâm tìm ra giải pháp, cách thức bền vững và hiệu quả hơn trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, kiến thức về giới cho độ tuổi vị thành niên, thanh niên.