Điểm trường Bản Tèn và điểm trường Liên Phương là 2 trong số những điểm trường khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ. Cả 2 điểm trường có gần 400 học sinh mầm non và tiểu học, đều là dân tộc Mông và thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. So với trước kia, hiện nay các điểm trường đã được đầu tư phòng học khang trang. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ, hay chính sách hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí học tập cũng được thực hiện, từ đó tăng tỷ lệ học sinh đến trường, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.

Tăng cường đầu tư cho giáo dục ở xã vùng cao
một giờ học với máy chiếu tại Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.

Em Hoàng Thị Mai - Lớp 5C, Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ vui vẻ: "Học ở đây cháu được thầy cô dạy học bằng máy chiếu và cả những môn học khác nữa, cháu cảm thấy rất vui".

Chị Lý Thị Phương - Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Là một phụ huynh ở vùng cao em muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo cũng như các cấp chính quyền đã quan tâm đến đồng bào dân tộc Mông và điểm trường Bản Tèn".

Cùng với việc tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, chăm lo hỗ trợ cho học sinh và điểm trường, hiện nay huyện Đồng Hỷ cũng đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất để Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú từ năm học tới. Theo đó, từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học, nhà ở với 16 phòng và bếp ăn 1 chiều đang gấp rút được hoàn thiện, sẽ đáp ứng nhu cầu ở bán trú của gần 120 học sinh.

Tăng cường đầu tư cho giáo dục ở xã vùng cao
Hiện nay các điểm trường đã được đầu tư phòng học khang trang.
Tăng cường đầu tư cho giáo dục ở xã vùng cao

Cô giáo Đinh Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ bày tỏ: "Nếu chuyển đổi được mô hình này sẽ giúp cho các em ở hai điểm trường như những em đi học xa trên 3 km sẽ được ăn ở tại trường. Điểm trường Liên Phương các em học sinh lớp 4, lớp 5 về trung tâm học. Chuyển đổi mô hình giúp các em tiếp cận với chương trình giáo dục 2018, đặc biệt là đối với lớp 4 các em học được các môn tin học và ngoại ngữ sẽ đảm bảo thuận lợi hơn trong việc thực hiện chương trình".

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ cho biết: "Về quan điểm của ngành chúng tôi có những kế hoạch, chương trình để đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị với các cái gói thiết bị như sở giáo dục cung cấp nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất của chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đảm bảo như lớp học, các phòng chức năng, đồ dùng trang thiết bị dạy học khang trang đầy đủ".

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng DTTS và miền núi ở các cấp học. Trong đó phấn đấu ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú. Với sự đầu tư kịp thời cho các trường, điểm trường vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương và thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra./.