Tân Tổng thống Pháp và thách thức thành lập chính phủ mới
Trước đó, việc công bố Thủ tướng mới cũng được giữ tuyệt mật và đưa ra vào phút chót chỉ vài phút trước khi tân Tổng thống khởi hành đi thăm Đức. Rõ ràng có một chiến lược thận trọng trong việc bổ nhiệm và vận hành chính phủ mới.
“Phá vỡ các nguyên tắc”
Báo chí Pháp nhận định tân Tổng thống quyết “phá vỡ các nguyên tắc” với một chính phủ dự kiến hay sẽ bao gồm những nhân vật uyên thâm lẫn với những nhà kỹ trị, những nhà cải cách; giữa những đại biểu dân cử lẫn với đại diện của xã hội dân sự, và dĩ nhiên gồm cả tả và hữu…
Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp, Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
Dự kiến vị trí Bộ trưởng kinh tế có thể được trao cho Chủ tịch – Tổng giám đốc một trong hai tập đoàn dẫn đầu về chuyển đổi công nghệ số là Atos Thierry Breton hoặc Chủ tập đoàn Accenture Pierre Nanterme. Bộ trưởng ngân khố có thể được giao cho một nhà kinh tế Jean Pisani-Ferry. Dự kiến bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số có thể sẽ được trao cho một nhân vật đã phụ trách mảng kỹ thuật số trong nhóm vận động tranh cử của ông Macron.
Vị trí Bộ trưởng Nội vụ sẽ là một trong những vị trí được chú trọng cho một nhân vật thân cận, có thể là đương kim bộ trưởng quốc phòng Jean Yves Le Drian hoặc Tổng thư ký Phong trào Tiến bước Richard Ferrand – một trong những người đầu tiên trong đảng Xã hội tuyên bố đứng về phía ông Macron. Nhưng nhiều khả năng ông Le Drian sẽ tiếp tục ở lại vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.
Bộ trưởng tư pháp có thể được trao cho ông François Bayrou – người đã sớm tuyên bố ủng hộ ông Macron, và là một trong những chính trị gia kêu gọi mạnh mẽ việc xốc lại văn hóa chính trị ở Pháp. Cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin có thể được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Nghị sỹ châu Âu Sylvie Goulard cũng là một trong những người ủng hộ ông Macron mạnh mẽ từ đầu, được chờ đợi vào vị trí phụ trách các vấn đề châu Âu. Và nữ Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Pháp ENA Nathalie Loiseau có thể sẽ trở thành Qu
ốc phụ khanh phụ trách vấn đề Pháp ngữ và người Pháp ở nước ngoài.
Chính phủ ngắn ngày nhưng “sạch”
Các vị trí Bộ trưởng cơ bản được cân nhắc cho các chuyên gia trong từng lĩnh vực và đều là những người dũng cảm tuyên bố ủng hộ ông Macron từ thuở ban đầu. Thẳng thắn mà nói thì chính phủ lần này có thể phần nhiều phản ánh sự “cảm ơn” của ông Macron với những nhân vật ủng hộ mình, bởi thực chất thành phần chính phủ sẽ phải thay đổi lại sau cuộc bầu cử lập pháp, nghĩa là trong 1 tháng nữa.
Tân Tổng thống và Thủ tướng cũng tỏ ra bài bản và thận trọng hơn khi hôm qua bất ngờ tuyên bố lùi việc công bố thành phần chính phủ sang hôm nay, với lý do trình danh sách các nhân vật nhiều tiềm năng được bổ nhiệm lên Cơ quan quản lý nhà nước cấp cao về sự minh bạch của công chức (cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát kê khai tài sản của các chính trị gia) để tránh bổ nhiệm những người có nguy cơ dính líu bê bối tài chính.
Rõ ràng, tân Tổng thống đã đánh đúng tâm lý người dân Pháp là mong đợi một chính phủ “sạch” sau một loạt bê bối phủ bóng cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Cặp đôi Macron - Philippe
Với việc bổ nhiệm một nhân vật ít tên tuổi trong phe hữu là ông Edouard Philippe, có thể nhìn thấy rất rõ đây là chiến lược của ông Macron cả ngắn và dài hạn.
Trước hết, ngay khi vận động tranh cử, ông Macron đã tuyên bố sẽ ưu tiên “hòa giải” một nước Pháp chia rẽ nặng nề vì thế việc đưa người cả hữu và tả vào chính phủ mới là điều đã được dự đoán trước. Riêng ông Macron, dù là người của phe tả, đảng Xã hội trước đây, từng là Bộ trưởng kinh tế dưới thời chính quyền của Tổng thống Francois Hollande, nhưng các chính sách hiệu quả mà ông Macron áp dụng lại được đánh giá là có tính “hữu” nhiều hơn.
Thêm nữa, bản thân nhiều cử tri Pháp, qua cuộc bầu cử vừa rồi, đã từng chờ đợi và mong muốn một vị tổng thống của phe hữu, và ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon nếu không vướng vào các bê bối tài chính, thì cơ hội với ông Fillon là số 1 do có các chương trình tranh cử khá thuyết phục và khả thi trong mắt cử tri Pháp.
Nhìn xa hơn, quyết định của ông Macron bổ nhiệm Thủ tướng Edouard Philippe là mũi tên nhắm hai đích cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới. Thứ nhất, Phong trào Tiến bước của ông Macron còn rất non trẻ, nên thậm chí còn chưa được phía Pháp gọi là một “đảng”, do đó sẽ phải dựa lực vào hai phe hữu – vốn đang mạnh trong hai viện Quốc hội – để có thêm nhiều sự ủng hộ cho chính phủ mới. Bản thân việc đổi tên Phong trào Tiến bước thành “Những người Cộng hòa Tiến bước” đã thể hiện định hướng mang tính “hữu” của phong trào này và ý đồ lấn át uy thế của đảng Những người Cộng hòa cánh hữu.
Thứ hai, bản thân việc thăng tiến của một nhân vật không thực sự nổi bật trong phe hữu như ông Edouard Phillippe lại đang gây chia rẽ nặng nề trong phe hữu và điều đó có thể tạo lợi thế nhiều hơn cho phong trào Tiến bước của ông Macron; cũng như giúp vị Tổng thống không thuộc phe phái chính trị truyền thống nào của Pháp này có thể gây sức ép để tăng vị thế cầm quyền của mình.
Dĩ nhiên Tổng thống Emmanuel Macron đã lựa chọn một con đường không giống ai, nên sẽ phải chấp nhận mọi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, chắc chắn đã có sự thỏa hiệp giữa cặp đôi Macron – Philippe cũng như các nhân vật sẽ được nêu tên trong chính phủ mới. Và dư luận Pháp chờ đợi những bất ngờ “không theo nguyên tắc nào cả” đầy thú vị sắp tới./.