Tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng trong năm 2017
Ngày 1/5 bắt đầu Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Cùng với Lễ phát động Quốc gia sẽ được tổ chức tại TP HCM vào sáng 6/5 tới, dịp này, công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn lao động đồng loạt được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi các vụ tai nạn lao động ra khỏi đời sống xã hội.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục Trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) về nội dung này.
Hiện trường một vụ tai nạn lao động |
PV: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết những nội dung chính được triển khai trong Tháng an toàn vệ sinh lao động năm nay?
Ông Nguyễn Anh Thơ: Lễ phát động Tháng hành động vệ sinh an toàn lao động năm 2018 được tổ chức tại TP HCM. Kèm theo lễ phát động là các hoạt động về triển lãm tranh về an toàn lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rồi các hoạt động chuyên đề như: Tổ chức đối thoại doanh nghiệp; các diễn đàn về an toàn cho lao động trẻ; rồi chương trình tập huấn cho người sử dụng lao động và người lao động về các chính sách, về các nội dung về an toàn và kiểm soát môi trường làm việc tại tất cả các ngành và tại các địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động để phòng ngừa các vụ tai nạn do các vi phạm pháp luật về an toàn tại nơi làm việc có thể xảy ra, nhất là ở những khu vực trọng điểm và ở các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp là TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai, rồi các ngành đang tiềm ẩn nguy cơ như trong xây dựng, cơ khí chế tạo hay trong lĩnh vực xây lắp, sử dụng điện.
PV: Thưa ông, như vậy đến nay, Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ đã được tổ chức trong 18 năm liên tiếp và năm 2017 lần đầu tiên Tháng an toàn vệ sinh lao động cũng được tổ chức. Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động và số người chết do tai nạn lao động vẫn tăng lên. Vậy phải chăng công việc này vẫn mang tính hình thức?
Ông Nguyễn Anh Thơ: So với năm 2016, trong năm 2017, tổng số vụ tai nạn lao động cũng như số người bị tai nạn lao động cả những vụ tai nạn chết người cũng như số người chết đều tăng. Ở đây, thực hiện quy định của pháp luật mới thì phạm vi chúng ta thu thập các số liệu lao động mở rộng từ hơn 20 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động sang 54 triệu lao động trong toàn bộ lực lượng lao động của chúng ta.
Ông Nguyễn Anh Thơ phát biểu tại buổi họp báo thông tin về Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2018 |
Có thể nói rằng, con số thống kê này chưa phản ánh hết tình hình thực tế, nhưng những lĩnh vực sản xuất có nguy cơ mà lâu nay chúng ta theo dõi được như trong khai thác khoáng sản, trong xây dựng thì đều thu thập và có thống kê đầy đủ. Một nguyên nhân nữa mà chúng tôi phân tích theo dõi là lực lượng lao động trong công nghiệp, trong lĩnh vực dịch vụ cũng tăng theo khi tăng tỷ lệ đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Qua phân tích đánh giá các nguyên nhân cũng như các yếu tố gây ra tai nạn trong thời gian vừa qua thì con số bị tai nạn tuyệt đối vẫn đang tăng lên. Ở đây, việc tăng lên là do quy mô lao động tăng, các ngành, lĩnh vực sản xuất đang mở rộng rất nhiều trong ngành công nghiệp. Đặc biệt rất nhiều các công trình xây dựng và lực lượng trong ngành xây dựng tăng rất cao, rồi nhiều ngành nghề công nghiệp mới, hóa chất mới… ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát các mối nguy tại nơi làm việc.
Và một phần nữa chúng tôi cũng không thể không thừa nhận, đó là một bộ phận các doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động và cả người lao động chưa nhận thức đầy đủ về công tác an toàn vệ sinh lao động. Đầu tư chưa thỏa đáng và ý thức chấp hành của cả người sử dụng lao động và người lao động chưa đầy đủ.
PV: Thưa ông, một thực tế rất dễ nhận thấy là công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực an toàn lao động vẫn được triển khai, nhưng các vụ tai nạn lao động và số người bị ảnh hưởng vẫn tăng lên. Vậy giải pháp nào phải được tăng cường, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Thơ: Có thể nói, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý chỉ mang tính chất răn đe, chiếm tỷ lệ nhất định chứ không thể hết được, nhưng công tác huấn luyện và truyền thông phải là nội dung mà chúng ta phải đầu tư vì đó là nội dung an toàn có chi phí thấp nhất mà hiệu quả nhất.
Đặc biệt là việc huấn luyện an toàn chúng ta phải nâng cao chất lượng, thúc đẩy việc huấn luyện và làm sao các doanh nghiệp phải áp dụng được hệ thống quản lý mà ở đó mỗi người lao động phải được đào tạo về kỹ năng, về chuyên môn để làm sao họ tự phát hiện được các nguy cơ và việc phối hợp trong doanh nghiệp để phòng những nguy cơ đó.
Cùng với đó, chúng ta phải xây dựng được thế hệ doanh nhân và người lao động có thái độ đúng với công tác an toàn, coi trọng con người, bảo vệ con người là yếu tố hàng đầu trong sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta hoàn thiện rồi thì việc triển khai và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật cần phải tăng cường. Đó là làm sao, thanh tra, kiểm tra ngoài việc phát hiện các vi phạm thì phải xử lý các vi phạm một cách nghiêm khắc.
Cần thiết, những doanh nghiệp, cá nhân, những tổ chức nào vi phạm thì rút giấy phép sản xuất hoặc dừng thi công, dừng sản xuất để có thể kiểm soát đến khi nào các điều kiện làm việc tại một vị trí của doanh nghiệp đảm bảo an toàn thì mới tiến hành sản xuất kinh doanh.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.