Nơi đây, có những thanh niên trẻ tuổi, tình nguyện gắn bó với vùng đất biên giới Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) như quê hương thứ hai với mong muốn được cống hiến tuổi xuân, biến những nhiệt huyết, hoài bão, ý tưởng trở thành sự thật.

Mô hình trồng lúa nước của tri thức trẻ tình nguyện

Đại úy Nguyễn Văn Tiến, Đội trưởng Đội 9, Đoàn KTQP 78 vẫn nhớ những ngày đầu tiên lên với mảnh đất Mo Rai. Khi đó, đồng bào các dân tộc ở đây chưa biết trồng lúa nước, vẫn chỉ quen với hạt ngô, củ mì (sắn). “Năm 2006, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng có chủ trương phát động các tri thức trẻ tình nguyện đến các đoàn KTQP. Tôi xung phong lên Mo Rai nơi có Đoàn KTQP 78, hằng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con dân tộc Giơ Rai ở làng Grập”, Đại úy Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.

Sinh ra tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên với chuyên ngành nông nghiệp, Nguyễn Văn Tiến ấp ủ thực hiện dự án trồng lúa nước nơi vùng rừng núi Bắc Tây Nguyên. Anh cùng với hai tri thức trẻ tình nguyện khác bắt tay vào thực hiện mô hình trồng lúa nước tại làng Grập. Khi triển khai thực tế, có những khó khăn mà các anh phải vượt qua, người dân bản địa chưa có kiến thức, kinh nghiệm trồng lúa nước, phải cải tạo đất đai, thổ nhưỡng để phù hợp với cây trồng mới, đặc biệt là đưa nước về đồng ruộng. Quyết tâm không chùn bước, những tri thức trẻ tình nguyện tỷ mỉ hướng dẫn bà con từng công đoạn gieo trồng, chăm sóc. “Chúng tôi làm một cánh đồng mẫu để hướng dẫn bà con rồi sau đó mới nhân lên trồng đại trà. Người dân từ chỗ lạ lẫm đã bắt đầu quen với cây lúa, dần trở thành một trong những cây lương thực quan trọng của địa phương”, Đại úy Nguyễn Văn Tiến cho biết.

suc tre tren vung dat bien gioi mo rai

Lớp học Internet của Trường bán trú Đoàn KTQP 78 ở Mo Rai.

Hoàn thành 3 năm của chương trình tri thức trẻ tình nguyện, Nguyễn Văn Tiến có nguyện vọng tiếp tục gắn bó với Đoàn KTQP 78. Anh được tạo điều kiện công tác tại các đội sản xuất của đơn vị. Đội 9, nơi Đại úy Nguyễn Văn Tiến đảm nhận cương vị đội trưởng, nhiều năm nay là một trong những đội sản xuất luôn hoàn thành trước kế hoạch của Đoàn KTQP 78. Anh kể, ngày mới về nhận nhiệm vụ tại Đội 9, điều anh quan tâm nhất là giúp cho cán bộ, công nhân viên yên tâm công tác. “Ngành cao su đứng trước nhiều khó khăn, giá mủ ở mức thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Bên cạnh phát triển sản xuất, bảo đảm kế hoạch được giao, chúng tôi cũng khuyến khích người lao động đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình, trồng cây lương thực ngắn ngày, đào ao thả cá... để cải thiện thu nhập”, Đại úy Nguyễn Văn Tiến bày tỏ. Đây cũng là một trong những giải pháp được Đoàn KTQP 78 thực hiện với mong muốn bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

"Gieo chữ” giữa đại ngàn

Trường THCS bán trú Võ Nguyên Giáp của xã Mo Rai mới xây dựng hơn 1 năm vẫn còn nguyên màu sơn sáng bóng. Công trình này được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Đoàn KTQP 78, phục vụ cho con em trên địa bàn. Thầy giáo Võ Hoàng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, tuổi mới ngoài 30 nhưng đã nhiều năm gắn bó với vùng đất Bắc Tây Nguyên. Năm 2015, khi Trường Võ Nguyên Giáp hoàn thành, thầy Võ Hoàng Sơn về đây nhận nhiệm vụ mới cùng với vỏn vẹn 6 giáo viên và 2 cán bộ quản lý. Thầy Võ Hoàng Sơn tâm sự: “Khi chưa có trường THCS, các em ở đây phải đi hơn 10km để đến trường. Hiện nay, trường có hơn 100 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số và công nhân của Đoàn KTQP 78. Để các em được đến trường là sự nỗ lực rất lớn của bậc làm cha mẹ”. Thời tiết khu vực Bắc Tây Nguyên vốn khắc nghiệt, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, nhưng với thầy và trò nơi đây, không có gì ngăn cản được khát khao “gieo” con chữ. Vì ít giáo viên nên có những thầy cô phải kiêm nhiệm một lúc nhiều môn học nhưng không vì thế mà chất lượng dạy học bị xem nhẹ. Học sinh đến trường đều đặn mỗi ngày, thầy cô giáo miệt mài trên bục giảng.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Hồng Lam, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 78 cho biết: “Mặc dù hiện nay điều kiện sản xuất kinh doanh của đơn vị đang gặp khó khăn, do giá cả thị trường chi phối, song chúng tôi vẫn ưu tiên hàng đầu đến cuộc sống của người lao động. Tạo điều kiện cho người lao động cống hiến tài năng, sự nhiệt huyết để xây dựng vùng biên giới Mo Rai ngày càng giàu đẹp, đặc biệt đơn vị ưu tiên đầu tư xây dựng phân hiệu tiểu học nội trú từ lớp 1 đến lớp 5; hiện có 250 cháu học sinh con em đồng bào các dân tộc, con em cán bộ, công nhân, người lao động đang theo học và đưa hệ thống Internet vào trường học đầu tiên ở đây. Đây là mô hình đầu tiên ở vùng biên giới Bắc Tây Nguyên đạt hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, ngành giáo dục Kon Tum nhân rộng mô hình này trên địa bàn. Nhờ vậy, người lao động có con em đang tuổi đến trường cũng yên tâm hơn, gắn bó hơn với đơn vị. Những việc làm của Đoàn KTQP 78 để chăm lo cho thế hệ tương lai với mong muốn các em được ăn học đến nơi đến chốn, khi trưởng thành sẽ tiếp tục cống hiến nhiệt huyết tuổi trẻ, xây dựng vùng đất Bắc Tây Nguyên thêm giàu đẹp”.