Mỗi năm, có gần một triệu người Mỹ được đặt stent tim. Những ống kim loại nhỏ xíu này được dệt bằng những sợi kim loại giúp nong các động mạch vành, cung cấp máu cho cơ tim. Mặc dù có vẻ như lưu lượng máu đến tim sẽ luôn tốt hơn, nhưng quyết định cuối cùng về stent lại khá phức tạp. Trong một số trường hợp, tốt hơn hết là bạn nên nói không.

stent tim dat hay khong dat

Stent đã trở nên phổ biến bởi vì, trong một số trường hợp, chúng thực sự cứu sống tính mạng. Trong hầu hết các cơn đau tim, một trong những động mạch vành bị tắc hoàn toàn và không thể đưa máu giàu oxy đến tim. Nếu động mạch không được thông lại ngay lập tức, phần bị ảnh hưởng của tim sẽ thoái hóa trở thành vô dụng. Vì stent là công cụ hiệu quả và bền nhất để tái thông động mạch, nên chúng hầu như luôn luôn là phương pháp điều trị tốt nhất cho các cơn đau tim. Trong thực tế, stent càng sớm được triển khai thì kết quả càng tốt. Vì vậy, nếu bạn bị đau ngực, đừng hãy lãng phí bất cứ phút nào để gọi cấp cứu.

Thật không may, stent cũng có thể gây ra một số vấn đề. Đầu tiên, để ngăn máu dính vào stent, bạn sẽ phải uống aspirin hàng ngày trong suốt quãng đời còn lại. Bạn cũng cần phải uống một thuốc chống đông máu thứ hai trong ít nhất vài tháng. Trong thời gian này, bạn sẽ dễ bị chảy máu hơn. Và nếu bạn bỏ thuốc quá sớm, stent có thể nhanh chóng bị đông máu và khiến toàn bộ động mạch lại bị tắc. Ngay cả khi thuốc men đầy đủ, cơ thể vẫn có thể từ từ phá hoại stent bằng cách tạo ra những lớp tế bào trên bề mặt bên trong của nó - có tác dụng tương tự như hàng trăm lớp sơn trên tường phòng ngủ. Theo thời gian, cuối cùng bạn có thể cần một stent thứ hai để làm thông cái thứ nhất.

Với những rủi ro liên quan đến stent, có hai tình huống phổ biến mà bạn nên cân nhắc thật cẩn thận trước khi để bác sĩ đặt vĩnh viễn một thiết bị như vậy vào tim mình:

Tình huống 1: Cơn đau tim đã diễn ra trước đó một thời gian

Stent sẽ không hữu ích khi bạn đã bị đau tim và không được điều trị kịp thời. Động mạch vành có thể vẫn bị tắc, nhưng cơ tim mà nó tưới máu có thể đã chết. Và việc khôi phục tưới máu cho cơ đã chết là vô nghĩa. Thật không may, bạn không thể chọc vào phần trái tim đó để xem nó đã thực sự chết hay chưa, vì vậy, các bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm đặc biệt gọi là chụp khả năng sống. Xét nghiệm này sẽ phân biệt những vùng tim đã chết với những vùng chỉ đơn giản là đang “ngủ” - và có thể hồi sinh trở lại khi được tưới máu nhiều hơn. Nếu chụp cho kết quả dương tính, stent có thể hữu ích. Còn nếu không thì đừng bận tâm.

Tình huống 2: Đau ngực mãn tính

Nếu ngực thường bị đau trong khi gắng sức, nguyên nhân có thể là do một trong các động mạch vành bị hẹp. Kết quả là, một phần cơ tim không nhận được đủ máu khi phải làm việc vất vả, và gây đau đến mức bạn buộc phải ngồi nghỉ để cho nhịp tim trở lại bình thường. Một test gắng sức sẽ xác nhận chẩn đoán.

Mặc dù theo trực giác thì việc nong động mạch dự phòng sẽ làm giảm đau, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thuốc có thể mang lại tác dụng giảm đau và kết quả chung tương đương. Những loại hiệu quả nhất là thuốc chẹn beta, nitrat và ranolazine. (Tất nhiên, bạn cũng nên thực hiện các bước để giảm huyết áp và cholesterol. Và nếu hút thuốc lá, thì rõ ràng bạn nên bỏ thuốc lá.)

Những ngoại lệ

Lưu ý, có hai trường hợp ngoại lệ khi đặt stent có thể là lựa chọn tốt hơn cho đau ngực mãn tính. Thứ nhất, nếu đau không kiểm soát được bằng thuốc, hoặc bạn không thích tác dụng phụ của thuốc, thì stent là một lựa chọn tốt. Thứ hai, nếu đau là do tắc nghẽn nghiêm trọng ở những vị trí có nguy cơ cao - như động mạch chính bên trái, nuôi dưỡng hơn một nửa quả tim, hoặc ở cả ba động mạch vành - bạn có thể cần đặt stent hoặc là phẫu thuật nối tắt để giảm nguy cơ tai biến về lâu dài, như đau tim hoặc tử vong.

Giống như tất cả các phương pháp điều trị y tế, stent có những ưu và nhược điểm. Chúng đã được ca ngợi là phương pháp điều trị kỳ diệu - và đôi khi thực sự là như vậy. Nhưng chúng không phải là giải pháp cho mọi vấn đề và bạn cần sử dụng chúng nếu không có một giải pháp thay thế nào tốt hơn.