Số hóa để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
Bảo tàng Thái Nguyên đang tăng cường số hóa các hiện vật đang lưu giữ.

Tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, các giải pháp công nghệ khác nhau, từ ứng dụng 3D, đồ họa, số hóa dữ liệu hiện vật đang từng bước thay thế cách quản lý truyền thống đối với hơn 1000 hiện vật đang được lưu giữ, bảo tồn tại đây.

Bà Lương Thị Duyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng đây là việc làm rất cần thiết, giúp cho bảo tàng có cơ hội được giới thiệu đến khách quan những hiện vật sưu tập mà hiện nay bảo tàng đang giữ và giúp cho việc dễ dàng trong khai thác, tra cứu thông tin, giới thiệu đến đông đảo quần chúng”.

Theo các nhà chuyên môn, việc áp dụng công nghệ mới rất thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh 3 chiều rất sống động, thu hút. Thêm vào đó, các di sản bao gồm cả vật thể và phi vật thể ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ.

Số hóa để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa là 1 trong 3 đơn vị của tỉnh thực hiện thí điểm chương trình chuyển đổi số.

Đối với Thái Nguyên, số hóa di sản cũng mới được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt từ sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 về chuyển đổi số. Với một hệ thống tương đối phong phú các di sản đang có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tích cực đón nhận và hưởng ứng thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Bình, hiện nay, Phú Bình đang ưu tiên số hóa đối với các di tích cấp quốc gia: “Trong lộ trình chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Ủy ban huyện cũng xác định là tập trung chuyển đổi số lĩnh vực di tích và sẽ ưu tiên chuyển đổi số di tích cấp quốc gia để nhân dân địa phương và du khách cùng bạn bè trong nước, quốc tế biết đến”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 800 di tích - danh thắng, hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 17 di sản của người dân tộc thiểu số được vinh dự công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng hàng nghìn hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý và quảng bá, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đặt ra lộ trình cụ thể để có thể sớm hoàn thành việc ứng dụng công nghệ số góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: “Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực này chúng tôi đang đặt ra, đó là trước mắt tập trung vào việc kiểm kê di sản, di tích trên địa bàn tỉnh, đồng thời lập hồ sơ khoa học của các di tích, di sản trên địa bàn và thực hiện việc xây dựng phần mềm để quản lý về các di sản, di tích. Đồng thời, đưa các hệ thống các di sản, di tích vào phần mềm quản lý của ngành, cũng như là đưa các di sản này được quảng bá trên Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh”.

Bằng việc lựa chọn Ban quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa là 1 trong 3 đơn vị của tỉnh thực hiện thí điểm chương trình chuyển đổi số tại tỉnh Thái Nguyên cho thấy sự quan tâm, vai trò cũng như sự cần thiết của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong một lĩnh vực đặc thù như quản lý di sản văn hóa. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, công nghệ số sẽ thực sự là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn lưu giữ di sản văn hóa./.