Sinh viên bức xúc vì phải đóng học phí bổ sung mới nhận được bằng tốt nghiệp
Một sinh viên bức xúc nêu: “Mỗi học kỳ trường đều ra cảnh cáo các sinh viên còn nợ học phí. Tụi em đóng học phí đầy đủ, không bị cảnh cáo hay nhắc nhở lần nào mà tới khi nhận bằng bị yêu cầu đóng bổ sung. Sao trước khi làm lễ tốt nghiệp trường không thông báo gì về chuyện này. Đáng nói hơn, dù học cùng một lớp với các môn học như nhau nhưng số tiền mỗi người đóng không giống nhau: 300.000 đồng, 700.000 đồng và có người còn nhiều hơn”.
Ảnh minh hoạ sinh viên nhận bằng tốt nghiệp |
Sinh viên này cũng thắc mắc: “Tại sao trường để tình trạng nợ học phí dây dưa kéo dài nhiều năm dù tình trạng sinh viên phải nộp học phí bổ sung mới được nhận bằng từng xảy ra các năm trước?”.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết việc thu học phí bổ sung có 2 trường hợp.
Thứ nhất là do thay đổi số tiết do bổ sung môn học mới hoặc thay đổi môn học mới sau khi kết thúc việc thu học phí. Nếu trường hợp những môn học bổ sung sau khi đã in phiếu đăng ký môn học, sinh viên phải nộp học phí bổ sung. Còn nếu trường hợp điều chỉnh số tiết của môn học (do khoa đề nghị) thì sinh viên không phải nộp học phí bổ sung. Ví dụ: Một môn học là 30 tiết nhưng sau đó khoa tăng lên 45 tiết thì sinh viên không cần nộp tiền học phí bổ sung.
Thứ hai là những sinh viên còn nợ học phí học kỳ hè.
Ông Nam cũng nhìn nhận việc để xảy ra tình trạng này là do trường cho phép sinh viên đăng ký nhưng không bắt buộc phải đóng học phí trước khi học. Sự việc xảy ra thì tuỳ từng trường hợp nhà trường sẽ giải thích cụ thể cho sinh viên rõ.
Một đại diện của phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng xác nhận có khoảng 100 sinh viên rơi vào trường hợp này. Số tiền học phí còn nợ của sinh viên không giống nhau do có sự cộng dồn, cấn trừ tự động trong phần mềm qua nhiều học kỳ. Trong đó có những sinh viên chỉ nợ hơn 100.000 đồng còn hầu hết dưới mức 1 triệu đồng.
“Thông thường số tiền chênh lệch của học kỳ trước sẽ được cấn trừ hoặc cộng dồn vào học kỳ kế tiếp sau quá trình đăng ký tín chỉ. Nhưng với sinh viên năm cuối không thể tiếp tục cấn trừ nên mới dẫn đến bị nợ cần đóng bổ sung”, vị này lý giải.
Vị này cũng cho rằng, về nguyên tắc thì sinh viên phải hoàn thành nghĩa vụ học phí trước khi tốt nghiệp và những sinh viên còn nợ học phí cần được thông báo sớm để giải quyết trước. Tuy nhiên trường không ra thông báo sớm mà lại ngay trong ngày nhận bằng nên gây bức xúc cho sinh viên.