Quan hệ Nga-phương Tây: Đóng băng hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông Nga ngày (21/1), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh tư tưởng “thù ghét Nga” là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tư tưởng này đang gia tăng tại phương Tây.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Lavrov vừa trở về sau chuyến công cán tới Mỹ và một số nước Liên minh châu ÂU (EU). Chuyến thăm của ông nhằm lên án gay gắt những trừng phạt tiếp tục nhắm vào Nga. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga khi tới Mỹ và châu Âu đều khẳng định những trừng phạt này là “vô lý và không có căn cứ”.
Tổng thống Nga Putin (bên phải) trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (bên trái) tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở St.Petersburg hồi tháng 6/2016. Ông Juncker là quan chức cấp cao nhất của EU thăm Nga kể từ sau vụ sáp nhập Crimea. |
Thế đối đầu Nga-phương Tây vốn chưa bao giờ hạ nhiệt, đã tiếp tục leo thang từ thời điểm tháng 3/2014, khi Bán đảo Crimea trưng cầu ý dân tách khỏi Ukraine và xung đột quân sự bùng phát ở vùng Donbass-miền Đông Ukraine.
Sau dấu mốc ngày 17/3/2014- khi Crimea chính thức sáp nhập trở lại Nga, Mỹ cùng EU viện cớ đây là “hành động bất hợp pháp” và liên tiếp áp đặt trừng phạt kinh tế với Nga.
EU-Nga vẫn muốn níu kéo quan hệ vì khí đốt
Cuộc khủng hoảng Ukraine không tìm được lối thoát đã đẩy Nga-phương Tây vào tình thế “ăn miếng trả miếng” suốt 3 năm qua. Bất chấp việc Nga phủ nhận có liên quan, song Mỹ và EU vẫn cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng.
Dù giới chức EU vẫn luôn miệng nhắc tới “việc cải thiện quan hệ với Nga vì lợi ích trong vấn đề khí đốt”, song điều mà EU thực sự làm là cứ mỗi 6 tháng lại xem xét gia hạn trừng phạt Nga.
Thực tế, EU lấy lệnh ngừng bắn tại Ukraine làm thước đo trừng phạt Nga. Hội đồng Liên minh châu Âu bao gồm 28 quốc gia thành viên đã kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31/7/2018 và lấy làm tiếc là các thỏa thuận về thực thi Hiệp định Minsk về thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã không được thực thi đầy đủ.
Trong khi đáp trả bằng việc thiết lập lệnh cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của châu Âu, những người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, phía Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với EU mặc dù lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn.
Ông Peskov nhấn mạnh: “Tôi rất lấy làm tiếc, quyết định kéo dài lệnh trừng phạt trên không phù hợp với lợi ích của các nước thành viên EU và Nga”. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là 6 tháng.
Các trừng phạt “ăn miếng trả miếng” đều gây thiệt hại kinh tế cho cả Nga và các nước EU, cũng như nguồn cung khí đốt của châu lục và hiện nay là những rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Sau khi dự luật trừng phạt Nga được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hôm 2/8 năm ngoái, EU đã thậm chí còn đe dọa có bước đi phản ứng của mình nếu các biện pháp của Mỹ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty EU đang có dự án gắn với Nga.
Điều này đã phần nào cho thấy thế khó của Liên minh châu Âu trong xử lý quan hệ với Nga và Mỹ. Đó là làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt với Nga, trong khi vẫn đảm bảo mối quan hệ với Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Nga đang xuống thấp nghiêm trọng
Thêm bằng chứng cho thấy quan hệ Mỹ - Nga đang xuống thấp nghiêm trọng, khi tháng 12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ bổ sung 5 công dân Nga vào danh sách bị áp đặt trừng phạt theo cái gọi là “Đạo luật nhân quyền Magnitsky” .
Theo luật của Mỹ, các cá nhân nằm trong danh sách này sẽ bị phong tỏa toàn bộ tài sản tại Mỹ và cấm làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ. Như vậy, tính đến nay đã có 49 người Nga bị Mỹ đưa vào danh sách này. Động thái của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra sau khi Nga ra cho biết nước này đang chuẩn bị các phương án đối phó trước khả năng Mỹ và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Đối đầu Nga-Mỹ là điều không mới. Từ xung đột Ukraine tới khủng hoảng Syria, Nga-Mỹ đều không đứng cùng một chiến tuyến.
Sự ganh chừng về quân sự giữa các bên cũng không hề giảm nhiệt. Trong năm 2017, Nga đã tiến hành cuộc tập trận chung với Belarus mang tên Zapad 2017 có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nga khẳng định cuộc tập trận này không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ 3 nào và mục đích chính là “duy trì an ninh cho Nga và Belarus”- điều mà Mỹ và các đồng minh NATO sẽ không bao giờ tin.
Đây là lần đầu tiên Nga tiến hành tập trận kiểu này kể từ khi NATO quyết định triển khai 4 lữ đoàn tới khu vực Đông Âu, giáp biên giới với Nga.
Lịch sử cũng đã chứng minh Nga-Mỹ chưa từng nao núng trước đối phương. Trong bối cảnh, Washington tháng trước tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các vũ khí phòng vệ mạnh mẽ, thì Nga cách đây hơn một tuần cũng triển khai đơn vị S-400 thứ 2 tới Crimea. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “các nước phải coi hành động của Nga là nhằm đảm bảo an ninh chính đáng”.
Phát biểu của ông Peskov chả thể thuyết phục được Mỹ. Trong chiến lược an ninh quốc gia mới nhất, Tổng thống Trump đã chỉ trích Nga “là một trong các đối thủ chính trị” đang tìm cách xây dựng một trật tự thế giới mới cả trên phương diện quân sự cũng như kinh tế để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavov đã phải thừa nhận “Thậm chí chúng ta còn không thấy sự thù ghét Nga lên cao như vậy trong thời Chiến tranh Lạnh”./.